Du lịch Thanh Hóa dịp hè 2011: Liệu có cải thiện được hình ảnh?

Mở màn cho mùa du lịch hè 2011, các tỉnh duyên hải đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện sôi động, nhằm quảng bá thu hút khách đến địa phương như: Lễ hội “Bếp Việt trong vườn Huế” (30/4-3/5); cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế (29-30/4) ở Đà Nẵng, Lễ hội Carnaval và Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2011 (28/4-2/5), “Tuần lễ văn hóa - du lịch Sầm Sơn 2011 (28/4-2/5)”… Với ngày nghỉ dài, lại thêm có sự kiện sôi động, dự kiến các địa phương sẽ thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng.

Bãi biển Sầm Sơn ngày 25/4/2011.

Nhưng đằng sau việc nhộn nhịp đó, giá cả cũng được dự báo tăng chóng mặt và nạn “chặt chém” sẽ hoành hành. Một địa điểm du lịch có tiếng về tệ nạn này như Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ làm gì để tạo dựng hình ảnh cạnh tranh với các điểm đến khác?

Hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ

“Sau vài lần bị hớ khi trả tiền với giá cắt cổ trong những lần đi công tác, hoặc bất đắc dĩ phải đi nghỉ cùng cơ quan, bạn bè tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) dịp hè, chúng tôi rút kinh nghiệm xương máu là bất kỳ dịch vụ gì đều phải hỏi giá trước khi sử dụng. Nếu không hỏi kỹ, du khách sẽ bị tính giá trên trời, thậm chí còn bị tính giá các loại dịch vụ “oái ăm” khác để tận thu như dịch vụ chỗ ngồi, vệ sinh…”, anh Hà Trường Giang, phố Đội Cấn (Hà Nội) thổ lộ.

Ngay các doanh nghiệp lữ hành đưa khách tới đây cũng bị tận thu triệt để. Anh Hoàng Minh Hoàng, giám đốc Công ty du lịch Minh Tâm cho biết: “Khoảng 4 năm trở lại đây, đơn vị tôi không dám tổ chức tour đi Thanh Hoá vào mùa cao điểm và chỉ dám để khách dừng chân từ Quảng Bình đổ vào phía Nam. Lý do là các đơn vị cung ứng dịch vụ, nhất là khách sạn tại điểm du lịch Sầm Sơn trước đây thường xuyên không giữ đúng cam kết và các dịch vụ thường có tính ‘chặt chém’ khiến du khách phàn nàn. Thậm chí, rút kinh nghiệm những lần bị ‘phá’ hợp đồng, năm 2008, do khách yêu cầu đi tour Sầm Sơn, đơn vị tôi đã phải cử hẳn 1 nhân viên xuống tiền trạm và ngồi canh ở chỗ lễ tân, cứ thấy khách trả phòng là yêu cầu đưa chìa khoá giữ phòng vì sợ khách sạn lại “bán” cho đối tác khác. Làm du lịch như vậy rất ức chế, tốn công và mang tính chụp giật nên chúng tôi bỏ qua thị trường này. Tại các địa điểm du lịch khác, khi lữ hành và khách sạn đã ký cam kết và đặt cọc thì dù giá tăng đến mấy vào lúc cao điểm họ vẫn giữ chữ “tín” và thực thi theo đúng hợp đồng. Nếu có tăng thì họ cũng thông báo trước cả tháng, trong khi chủ khách sạn ở Sầm Sơn thì họ “lật kèo” và thậm chí nộp phạt tiền đặt cọc để phá hợp đồng. Chính vì không giữ chữ tín trong kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp lữ hành Hà Nội bỏ qua thị trường này bởi không muốn mang tiếng với khách hàng”.

Anh Lê Giang, một chủ quán tại Sầm Sơn đã giải nghệ, tâm sự: “Chặt chém ở Sầm Sơn là có vì cả năm chỉ kinh doanh từ khoảng 20/4 -21/8, lúc đó học sinh nghỉ hè, thời tiết nóng bức nên khách từ Hà Nội và quanh vùng đến rất đông. Thậm chí trong mùa du lịch, trong một tuần cũng chỉ tập trung vào 4 ngày (từ thứ 5 đến chủ nhật). Đầu tuần thì vắng, cuối tuần thì đông khủng khiếp. Quán chỉ có 250 chỗ nhưng tầm trưa lúc nào cũng đông tới 600 khách nên quá tải. Hơn nữa, kinh nghiệm người bán hàng thì cứ nhìn mặt khách, dân kinh doanh hay gọi là “gặp gà” thì lúc đó lựa cơ hét giá. Cho nên, kinh nghiệm khi vào các quán dịch vụ nơi đây là phải hỏi trước giá”.

Liệu có xây dựng được niềm tin?

Mùa du lịch năm nay, UBND thị xã Sầm Sơn đưa ra quy định: Mức giá trần thuê phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch ở Sầm Sơn là 1 triệu đồng/phòng/ngày đêm đối với phòng loại 1; 600.000 đồng đối với phòng loại 2; 400.000 đồng đối với phòng loại 3; 250.000 đồng đối với phòng loại 4 và 150.000 đồng đối với các phòng bình dân. Thị xã cũng quy định chi tiết và niêm yết giá các loại hình dịch vụ khác như giá chụp ảnh, giá gửi xe, phao bơi, tắm nước ngọt, giá dịch vụ xích lô cùng một số dịch vụ vui chơi giải trí trên bãi biển như xe tàu lượn, xe điện, nhà phao hơi nhún... Số điện thoại nóng du khách có thể liên lạc: Đội bảo vệ an ninh trật tự bãi biển: 0373.6502077; 0988 601 388.

Không thể phủ nhận một thực tế tại điểm du lịch biển Sầm Sơn là do chịu tác động lớn của thời tiết nên mang tính mùa vụ đậm nét, chỉ kinh doanh sôi động trong mấy tháng hè, những thời điểm khác, các điểm du lịch “đắp chiếu”, nên dẫn đến tình trạng các cơ sở dịch vụ tại Sầm Sơn làm ăn chộp giật, “chặt chém” theo kiểu tận thu, “9 tháng mài dao, 3 tháng chém”.

Các cơ quan có thẩm quyền tại Sầm Sơn cũng nhận thức điều này. Bởi vậy bước vào mùa du lịch năm nay, bên cạnh tổ chức sự kiện khuếch trương “Tuần văn hóa - du lịch Sầm Sơn 2011” với chủ đề "Nơi gặp gỡ những sắc màu văn hóa", các cơ quan chức năng đã đưa ra chủ trương nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong du lịch; sự văn minh trong kinh doanh. Đây được coi là bước đệm khởi động cho “Năm du lịch quốc gia 2015” do Thanh Hóa đăng cai tổ chức.

Ông Doãn Văn Phú, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa thừa nhận: “Trong hoạt động du lịch tại tỉnh, kiểu kinh doanh “chộp giật” điển hình nhất diễn ra ở Sầm Sơn. Tôi đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh phải có những giải pháp triệt để đối với tình trạng này. Do yếu tố mùa vụ, nhất là tình trạng đấu thầu các kiốt kinh doanh dọc bờ biển theo mùa, đội ngũ bán hàng rong, chụp ảnh dạo tự phát, việc “thả” cho tư nhân đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch những năm trước rất manh mún, nên giờ quản lý không phải dễ... Trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2015, chúng tôi đã quy hoạch phát triển 6 điểm du lịch trọng tâm là: Sầm Sơn, biển Hải Hòa (Tĩnh Gia), thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương, điểm du lịch cộng đồng Pù Luông. Như khu suối cá Cẩm Lương sẽ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng tạo thành khu du lịch bên tả ngạn với các dịch vụ xe điện, xe đạp đôi, sắp xếp đội ngũ thuyết minh viên, nhà hàng... tạo thành điểm du lịch phía tây Thanh Hóa kết nối trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Với điểm du lịch Sầm Sơn sẽ mở rộng không gian du lịch về hướng nam Sầm Sơn, Quảng Cư, điểm du lịch núi Trường Lệ, nâng cấp các khu nghỉ dưỡng và coi đây là một sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm khắc phục tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch tại đây”.

Ý KIẾN:

Chị Phạm Bích Thủy, khách du lịch: Sầm Sơn là địa điểm gần nên chúng tôi có thể tự tổ chức đến đây nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ở đây thường có tình trạng tăng giá vô tội vạ dịp cao điểm, nên chúng tôi sẽ chỉ đến đây vào dịp thấp điểm hoặc nhờ bạn bè là người địa phương ở đây đặt trước dịch vụ.


Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc chi nhánh Công ty Mai Phượng Vy: Để hạn chế tính mùa vụ, du lịch xứ Thanh có thể mở rộng sang các loại hình du lịch văn hóa sinh thái như thành Nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh, vườn quốc gia Bến En… Hiện biển Sầm Sơn chỉ hấp dẫn khách nội địa với đối tượng khách bình dân do hạ tầng kỹ thuật du lịch ở đây chỉ ở mức vừa phải, dịch vụ từ lâu bị mang tiếng “chặt chém”, nên khó hút khách là đối tượng chi trả cao, khó tính về dịch vụ. Nếu vùng bãi biển Sầm Sơn quá tải, ngành du lịch Thanh Hóa có thể mở rộng điểm du lịch ngoại vi, xuống vùng biển Quảng Xương, Tĩnh Gia.

Hiện chúng tôi đang khai thác điểm văn hóa bản làng dân tộc Pù Luông, nối từ Mai Châu (Hòa Bình) sang, khá hấp dẫn khách quốc tế. Du lịch Thanh Hóa nên phát triển thế mạnh này với việc nối tour lên phía tây của tỉnh với nhiều điểm đến tiềm năng.


Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc chi nhánh Công ty du lịch Tân Đông Dương tại Hà Nội: Gần năm nay, đơn vị của tôi bỏ thị trường Thanh Hóa và cả Nghệ An, bởi năm trước khi công ty tổ chức tour cho đoàn khách vào đây đã  bị đối tác khách sạn “xù”, “bán khách” sang một khách sạn khác, chất lượng rất kém. Đơn vị của tôi đã phải xin lỗi khách hàng và sau nhiều lần mới được thanh toán tiền. Vào mùa cao điểm hè, các khách sạn ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) thường xuyên không giữ đúng cam kết chất lượng dịch vụ nên bị khách hàng phàn nàn nhiều. Chúng tôi thà không nhận làm tour đến đây chứ không thể để ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của công ty.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN