Với Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch sinh thái miệt vườn lấy cảnh quan sông nước, vườn trồng cây ăn trái, trồng hoa, cây kiểng… làm trọng tâm sản phẩm. Hiện nay, bên cạnh sức hút đã tạo được, loại hình du lịch này đang đứng trước nhiều thách thức. Sản phẩm cần được đổi mới, đặc sắc hơn, không “rập khuôn” để thực sự đặc sắc, thu hút đa dạng nhiều dòng du khách.
Phóng viên TTXVN đề cập nội dung này trong hai bài viết với chủ đề Du lịch sinh thái miệt vườn ở vùng đất “Chín rồng” .
Bài 1: Dấu ấn khác biệt
Ở phía Nam đất nước, được hình thành từ những trầm tích phù sa, Đồng bằng sông Cửu Long có đa dạng hệ sinh thái, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông đến hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, hệ sinh thái miệt vườn, sông nước là một trong những tài nguyên nổi bật hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn của vùng.
Sản phẩm đặc trưng
Cảnh quan miệt vườn, sông nước với những ruộng vườn xanh mát, những cồn, cù lao trên sông phong cảnh hữu tình, cộng đồng các dân tộc sinh sống với nhiều nét văn hóa đang làm nên dấu ấn khác biệt cho du lịch vùng đất “Chín rồng” - một trong những vùng du lịch trọng điểm cả nước.
Theo Tiến sĩ Trần Quốc Nhân (Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự, Du lịch sinh thái miệt vườn là loại hình du lịch độc đáo, đặc trưng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở cảnh quan tự nhiên của những vườn cây ăn trái, hoa, cây kiểng, vùng sông nước, cù lao, hệ động thực vật cũng như tất cả những nét văn hóa bản địa, du lịch sinh thái miệt vườn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, đồng thời giới thiệu, tôn vinh nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định, tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật nhất tạo nên giá trị đặc thù, khác biệt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long so với các vùng khác trong cả nước chính là cảnh quan sông nước - miệt vườn gắn với hạ lưu sông Mê Kông với 9 nhánh cửa sông đổ ra biển và hệ thống kênh rạch chằng chịt, các cồn, cù lao, miệt vườn, đồng ruộng và vườn cây ăn trái tại các vùng ven sông, cù lao.
Du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước là một trong những loại hình du lịch chủ đạo làm nên sức hấp dẫn cho đồng bằng châu thổ để các địa phương thuộc vùng thu hút mỗi năm khoảng 38 - 46 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Từ góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy chia sẻ, Cần Thơ có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với miệt vườn và văn hóa sông nước, đậm chất Nam Bộ. Là thành phố song Cần Thơ hiện có hơn 60% diện tích vùng ngoại thành, được bao quanh bởi rất nhiều sông rạch với những cồn, cù lao, miệt vườn trù phú. Địa bàn thành phố có rất nhiều điểm nhà vườn phát triển du lịch sinh thái với nhiều hoạt động trải nghiệm, tham quan, tập trung ở các quận, huyện Phong Điền, Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và các cù lao là vùng chuyên canh nhiều loại trái cây nổi tiếng xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, bưởi Phong Hòa… Các vùng chuyên canh không chỉ đem lại nhiều sản vật nông nghiệp mà còn là nền tảng hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Không gian miệt vườn thoáng mát, làng quê hữu tình, cây xanh, hoa trái sum suê chính là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, miệt vườn còn là nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều làng nghề, giá trị văn hóa truyền thống, đang từng bước được khai thác trở thành sản phẩm du lịch như làng nghề đan lục bình, dệt chiếu, đóng ghe xuồng, trồng hoa kiểng, các di tích văn hóa, lịch sử, lễ hội, điệu hò…, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những địa chỉ tìm đến của những du khách mong muốn trải nghiệm không gian miệt vườn xanh mát, bình yên.
Gắn văn hóa bản địa
Đến Đồng bằng sông Cửu Long, về với các miệt vườn, điều khiến du khách thích thú chính là được sống trong không gian trong lành, gần gũi với thiên nhiên, con người thân thiện, tìm hiểu nhiều nét văn hóa thông qua ẩm thực, phong tục, tập quán. Chị Đoàn Hoa Uyên, du khách đến từ phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Đến Đồng bằng sông Cửu Long - bạn bè chị vẫn quen gọi là miền Tây, đắm mình trong cảnh quan miệt vườn trù phú, vườn cây ăn trái đến mùa thu hoạch, tự tay hái những trái chín, tìm hiểu đời sống người dân qua các lễ hội, đám cưới, đám giỗ hay các đặc sản ẩm thực…, ai cũng cảm thấy tâm hồn thư thái, như được tiếp thêm năng lượng tích cực cho cuộc sống.
Từ thực tế xây dựng, khai thác nhiều chương trình tour, đưa du khách tham quan và trải nghiệm, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành khẳng định, dù chương trình tour có tên gọi rõ ràng là du lịch sinh thái hay không, đa số hành trình về Đồng bằng sông Cửu Long đều có các điểm đến gắn với sinh thái miệt vườn, sông nước. Du khách đến với du lịch sinh thái miệt vườn là tìm về với bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí, nét sinh hoạt đời thường, chân thật và sống động của người dân bản địa.
Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền thông và Du lịch C2T ở thành phố Bến Tre cho rằng, du lịch sinh thái, trải nghiệm miệt vườn sông nước gắn văn hóa bản địa là yếu tố thu hút du khách, qua đó góp phần phát triển bền vững du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng.
Tại Bến Tre, các tour du lịch sinh thái đưa du khách tham quan không gian xanh mát của những vườn dừa và nhiều loại cây ăn trái khác, làng nghề trồng hoa, cây cảnh và khám phá cảnh quan vùng đất miệt vườn được hình thành bởi 3 dãy cù lao, bồi tụ từ phù sa 4 con sông: Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên và sông Tiền. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Truyền thông và Du lịch C2T luôn chú ý tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách từ những “điểm chạm” cụ thể, sinh động gắn với nét văn hóa người dân miệt vườn xứ Dừa. Du khách được hướng dẫn tham dự một đám cưới miệt vườn trong không gian đậm chất “vườn dừa” từ chiếc cổng trang trí, bó hoa cô dâu đến những vật dụng thân thuộc, khăn trải bàn, bát, đũa ăn cơm, chiếc gáo, đĩa… đều được làm từ các bộ phận của cây dừa, vừa thân thiện với môi trường, vừa thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân miệt vườn dừa xanh.
Cũng ở Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những mô hình du lịch sinh thái miệt vườn mang tính cộng đồng nổi bật là điểm đến Cồn Sơn (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Nằm trên sông Hậu, mảnh đất Cồn Sơn cách đất liền 600m, được thiên nhiên ưu đãi với đất phù sa màu mỡ, vườn cây ăn trái tốt tươi. Những năm gần đây, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với văn hóa bản địa, Cồn Sơn trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.
Dựa trên điều kiện tự nhiên, sinh thái miệt vườn, nền tảng văn hóa cộng đồng, các sản phẩm du lịch ở Cồn Sơn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm riêng biệt gắn với văn hóa miệt vườn, sông nước của người dân xứ cồn.
Bà Lê Thị Bé Bảy, đại diện Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn cho biết, Cồn Sơn là một cồn đất nhỏ nằm giữa dòng sông Hậu, có diện tích khoảng 70 ha và chưa đầy 100 hộ dân sinh sống. Ở đây, có điều kiện tự nhiên và nhân văn phù hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, không khí mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, vườn cây trái cùng hệ sinh thái đa dạng mang đậm dấu ấn vùng quê Nam Bộ.
Mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng ở Cồn Sơn được người dân giới thiệu đến du khách chân thực và sinh động chứ không phải tái hiện, dàn dựng. Cảnh quan, môi trường trong lành, những vườn cây ăn trái, vườn rau xanh, chiếc “cầu khỉ” và những món ẩm thực miền quê có khi chỉ là những chiếc bánh có tên gọi dân dã như bánh xèo, bánh khọt, bánh lọt, bánh ít, bánh tằm, bánh da bò, bánh lá mơ, bánh in, bánh kẹp, với các nguyên phụ liệu sẵn có từ địa phương được giới thiệu đến du khách, thể hiện rõ nét văn hóa người dân trên cồn. Điểm đến có không gian trong lành, tách biệt sự nhộn nhịp của đô thị náo nhiệt. Cùng với đó, vẻ đẹp của các nhà vườn, cảnh quan sông nước mênh mang, người dân thân thiện mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa khi tới Cồn Sơn.
Bài cuối: Cần thêm nhiều sản phẩm chuyên biệt, độc đáo