Tuy nhiên, những giá trị cảnh quan, di sản này đang suy kiệt vì trong quá trình đô thị hóa. Điều này yêu cầu thành phố cần xem xét lại tầm nhìn trong quy hoạch và quản lý phát triển trong tương lai.
Nguồn tài nguyên quý giá
Ông Lê Hoàng Quốc, cán bộ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận nhiều năm qua một số nước trên thế giới như Singapore, Thái Lan đã nghiên cứu tái sử dụng hoặc thay đổi công năng các di tích kết hợp với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch và đã gặt hái được thành công.
“Nhiều khu phố cổ, nhà kho, xưởng, bến cảng ven sông của Singapore đã được trùng tu sửa chữa và đưa vào khai thác kết hợp với các hoạt động thương mại dịch vụ để tạo ra điểm du lịch thu hút người dân, du khách. Hay ở Thái Lan, có nhiều tuyến tàu du lịch đường thủy kết nối các điểm văn hóa, đình chùa và các bảo tàng lịch sử dọc theo bờ sông”, ông Lê Hoàng Quốc dẫn chứng.
Tuy nhiên, ở Thành phố Hồ Chí Minh kể từ khi ngành du lịch đường thủy của thành phố đưa vào khai thác từ năm 2013 nhưng đến nay các kiến trúc di sản ven sông vẫn chưa được nghiên cứu và khai thác.
Qua chuyến tìm hiểu thực tế, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có thể dẫn chứng một kiến trúc di tích lịch sử cấp quốc gia - đình Bình Đông tọa lạc trên cù lao nhỏ rộng khoảng 2 ha nằm ngay nhánh rẽ của dòng Kinh Đôi thuộc phường 7 quận 8.
Tại đây vào ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng, dân chúng ở các nơi trong thành phố và ở các tỉnh bạn đến cúng bái đông đảo bởi đây không chỉ nổi tiếng là đình cổ, linh thiêng mà còn mang ý nghĩa quan trọng của sự kiện lịch sử cách mạng. Năm 1920, cụ Tôn Đức Thắng (cố Chủ tịch nước) từ hải ngoại trở về Sài Gòn và bí mật thành lập "Công hội đỏ" phát triển mạnh trong đội ngũ công nhân nhằm đoàn kết chống tư bản đế quốc.
Hay phía bên bờ dòng Kinh Đôi là một kiến trúc đồn - lô cốt Pháp nằm gần cạnh bến đò Bình Đông. Theo các chuyên gia, đây là di tích dạng hệ thống phòng thủ đường sông của người Pháp theo kiểu Vauban và các di tích thuộc loại này không còn nhiều.
Có thể nói hai điểm di tích văn hóa, lịch sử này là một dẫn chứng cho lợi thế rất lớn của ngành du lịch đường thủy của thành phố. Thế nhưng, đến nay từ quá trình phát triển đô thị của thành phố đã khiến dòng Kinh Đôi bị ô nhiễm nặng và di tích như kiến trúc đồn - lô cốt của Pháp thì đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi các công trình nhà ở bao quanh.
Bảo vệ các giá trị di sản ven sông
Nhiều ý kiến chuyên gia ngành du lịch cho rằng việc nghiên cứu, rà soát để có quy hoạch các di sản ven sông để trùng tu, sửa chữa công năng kiến trúc nhằm phục vụ du lịch cần sớm được triển khai. Chẳng hạn như từ những di sản này có thể xây dựng tuyến du lịch đường thủy liên kết giữa khu vực trung tâm Quận 1 với khu vực Chợ Lớn (bến Bạch Đằng - Cầu Mống - Cầu Chữ Y - các dãy nhà cổ ven sông - không gian văn hóa Chợ Lớn - không gian “trên bến dưới thuyền” Bình Đông - Phú Định) sẽ không chỉ làm đa dạng sản phẩm du lịch mà còn tạo ra sản phẩm du lịch đường thủy đặc trưng của thành phố.
Thế nhưng vấn đề bảo tồn các di sản ven sông này như thế nào trong khi có một thực tế hiện nay, sự phát triển nhanh của đô thị đang diễn ra những bất cập khi tính tương tác giữa không gian mới và cũ dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Đặc biệt khu vực di sản ven sông Sài Gòn, đoạn qua Quận 1 nơi được ngành Du lịch thành phố xác định là vị trí trung tâm, điểm nhấn quan trọng của hệ thống du lịch đường thủy.
Có thể dẫn chứng, khu vực Ba Son là một bức tranh phác họa thực sự sống động về ngành công nghiệp, nền kinh tế biển ở Việt Nam đã hơn 120 năm. Giá trị vật thể và phi vật thể của khu vực này đã nhiều lần được đề xuất đưa vào di tích quốc gia cần được bảo vệ, hoặc các thành phần nhỏ kiến trúc như ụ tàu hay xưởng cơ khí Ba Son đã nhiều lần được các sở ngành đề xuất gìn giữ.
“Tuy nhiên số phận của Ba Son lại trở thành dự án thương mại căn hộ và chung cư cao cấp thay cho việc trở thành di sản lịch sử - kiến trúc. Hiện nay xưởng cơ khí Ba Son chỉ còn sót lại một khu vực bảo tồn nhỏ với một triền nề, hai nhà xưởng và ụ tàu nhỏ…”, ông Lê Hoàng Quốc cho biết.
Rõ ràng những không gian đã hình thành nói trên đều có những ý nghĩa và giá trị đặc trưng. Tuy nhiên, ngày nay khi có những dự án các khu nhà ở hiện đại sẽ khiến cho không gian này bị tư nhân hóa và chỉ chủ yếu phục vụ cho cư dân trong khu dân cư, điều này đồng nghĩa không gian công cộng bị xóa bỏ.
Trong chuyến trải nghiệm buýt sông mới đây, một số hành khách cảm thấy tiếc nuối khi giá trị mang tính “kí ức đô thị” đang bị phai mờ dần trong quá trình biến đổi cảnh quan sông Sài Gòn theo chiều dài lịch sử hơn 300 năm của Gia Định - Sài Gòn.
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Trương Thái Hoài An, Giảng viên trường đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc gìn giữ hàng loạt giá trị lịch sử ven sông không còn là trách nhiệm của chính quyền đô thị, mà cần có sự ủng hộ của người dân và sự thấu hiểu của các nhà tư vấn nhà các nhà phát triển đô thị.
Như vậy, giải pháp để vừa phát triển đô thị hiện đại mà vẫn đảm bảo gìn giữ các giá trị lịch, theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Trương Thái Hoài An, trong quá trình quản lý phát triển đô thị cần xác định yếu tố giá trị lịch sử phải được bảo vệ trong các không gian phát triển.
Một kinh nghiệm từ thế giới chỉ ra rằng, các khu đất xung quanh các khu có giá trị lịch sử, giá trị sẽ tăng cao nhiều lần so với các khu đất không nằm gần các giá trị lịch sử. Vì vậy, cần khai thác yếu tố này để tăng giá trị đất đai trong quá trình quy hoạch và quản lý không gian đô thị.
Một yếu tố khác là xây dựng mối quan hệ giữa lợi ích cộng đồng dân cư trong lòng các di sản. Chính quyền đô thị phải cho người dân thấy được các giá trị di sản là tài sản của đất nước, chính nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế một cách hiệu quả.
Do vậy, việc đầu tư triển khai du lịch đường thủy gắn kết khai thác các giá trị di sản chính là cách xây dựng quan hệ lợi ích giữa cộng đồng dân cư trong lòng di các di sản hiệu quả nhất. Chính điều này sẽ góp phần vào các giải pháp khác của thành phố nhằm giải quyết vấn đề bảo vệ di sản trước quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.