Đổi mới trong đào tạo nhân lực văn hoá, thể thao và du lịch

Việc Việt Nam trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức với ngành văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. Vì vậy, đổi mới trong đào tạo nhân lực của ngành đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập là việc cần phải làm.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài gòn tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực" vào sáng ngày 5/7.


Còn hạn chế


Có thể nói, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngoài vấn đề đảm bảo chất lượng, cần quan tâm tới những thách thức về khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động không chỉ từ giới tuyển dụng của Việt Nam, mà còn trong cả khu vực. Đặc biệt đối với một số ngành thuộc lĩnh vực đào tạo này thuộc tám ngành lao động được di chuyển tự do trong ASEAN.


Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa vẫn còn nhiều bất cập, GS.NSND Ngô Văn Thành, Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho biết, cho đến nay cả nước chỉ còn vài nhạc viện lớn vẫn kiên trì duy trì việc đào tạo tài năng ở một số môn nghệ thuật nhất định. Hầu hết quy mô đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp bị thu hẹp dần, chỉ còn được duy trì một cách “đối phó”, khiến cho chất lượng nguồn nhân lực cũng suy giảm dần. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc “bất đắc dĩ” chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để có thể mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế. Hầu hết các đơn vị không thể kiểm định được chất lượng đào tạo và gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định những tiêu chí chuẩn về nội dung, quy trình, phương pháp và mục đích của quá trình đào tạo…

Cần đổi mới đào tạo nhân lực của ngành đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập trong giai đoạn mới là việc cần phải làm.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Thanh Hiệp, Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, cho rằng: "đào tạo nhân lực điện ảnh truyền hình có khả năng hội nhập quốc tế, hướng tới chuẩn quốc tế thực tế là nhu cầu sống còn của sự phát triển điện ảnh dân tộc hiện nay. Tuy nhiên, nhìn vào một số chương trình đào tạo nhân lực điện ảnh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhiều chương trình khi giới thiệu với bạn bè quốc tế họ không hiểu. Bởi trong chương trình đào tạo có môn học cũng được và không học cũng không sao. Có môn học mang tính bổ túc đáng lý ra kiến thức đó phải có trước khi vào đại học hoặc là môn ngoại khóa. Có môn học ví như khi chiếc ghế gỗ kê cho sinh viên cao lên, nhưng khi sinh viên ra trường, ghế một đằng, người một nẻo, chiều cao cử nhân nghệ thuật vẫn thế. Các môn học giáo dục chuyên nghiệp thời lượng ít…. Do đó, cần phải có đổi mới chương trình đào tạo cho ngành này".


Khai thác thế mạnh


“Muốn đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa thể thao và du lịch, mỗi trường cần khai thác thế mạnh của mình để tập trung đào tạo theo hướng tốt nhất, mỗi trường có thể hình thành xưởng sản xuất, cơ sở thực thành cụ thể cho sinh viên, tăng kĩ năng, cọ sát cho sinh viên trước khi ra trường. Đội ngũ giảng viên cũng cần phải có tiêu chuẩn nhưng nếu cứ quy định chỉ có giáo sư tiến sỹ mới được giảng dạy thì rất khó có đủ nguồn giảng viên. Thực tế, có những người có tay nghề giỏi nếu được giảng dạy cũng sẽ cho ra những sinh viên tốt. Ngòai ra, các trường đào tạo cần xây dựng chuẩn đầu vào chặt chẽ và chuẩn đầu ra chặt chẽ thì mới có thể kết nối với doanh nghiệp, sinh viên mới không lo thất nghiệp”, PGS. TS Nguyễn Xuân Tiên, trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết.


Là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhân lực của ngành văn hóa thể thao và du lịch, ông Trần Ngọc Lương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho biết, thực trạng hiện nay là sinh viên ra trường không biết mình sẽ làm gì, khi vào doanh nghiệp, đơn vị cũng không biết sắp xếp việc cho các em như thế nào cho phù hợp với trình độ. Trình độ ngoại ngữ của các em cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, để có thể làm việc tại doanh nghiệp các em phải mất từ 6-10 tháng mới làm được. Vì vậy, muốn đào tạo được nguồn nhân theo chuẩn quốc tế và khu vực phải cần phải hướng đến việc xây dựng khung chuẩn đầu ra của các trường càng gần với chuẩn đầu vào của doanh nghiệp.


Trong khi đó, Biên đạo múa Trần Ly Ly cho rằng: "Muốn nâng cao chất lượng đào tạo của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chúng ta phải có thông tin cụ thể của từng lĩnh vực, nắm bắt các nhu cầu của nơi tiếp nhận các sinh viên sau khi ra trường. Ví dụ muốn trở thành người mẫu, diễn viên chúng ta phải có thông tin về các cuộc thi để hướng dẫn đào tạo các em theo các tiêu chuẩn đó mới có thể đạt giải cao… Khi nắm các thông tin cụ thể chúng ta cũng có thể gửi các em học theo khoa nào, giáo sư nào như vậy mới cho có hiệu quả trong đào tạo nhân lực của ngành này".


Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, cho biết, mục tiêu của ngành văn hóa thể thao và du lịch tiến tới sẽ xây dựng được những khung chuẩn quốc gia, phù hợp với khu vực và quốc tế. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiến hành các quy trình phát triển khung trình độ quốc gia. Chủ trương này có thể được xem như giải pháp chính sách giải quyết dần những thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch trong bối cảnh hội nhập.

Hoàng Tuyết
Phát triển du lịch cộng đồng ở miệt vườn
Phát triển du lịch cộng đồng ở miệt vườn

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở lợi thế sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long, là hướng đi đúng, góp phần thu hút nhiều du khách quốc tế đến với vùng đất này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN