Đổi mới dịch vụ, cách làm để thu hút du khách đến với Mỹ Sơn

Những giá trị về văn hóa phi vật thể được Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chú trọng, nâng cao chất lượng, đã thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế quay lại Mỹ Sơn trong những tháng gần đây.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam). 

Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 10/2024, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đón gần 13.700 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế, nâng tổng lượng khách đến Mỹ Sơn đạt gần 352 nghìn lượt trong hơn 9 tháng, doanh thu đạt gần 60 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xấp xỉ doanh thu của những năm trước khi xảy ra COVID-19.

Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Nguyễn Công Khiết chia sẻ, ngoài sản phẩm chính là các nhóm tháp cổ, các chương trình nghệ thuật như "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại", chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, vũ điệu Chăm Pa truyền thống dưới chân tháp cổ... đã được Phòng Văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm đầu tư bài bản, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của Mỹ Sơn.

Đặc biệt, qua công tác sưu tầm, khai quật, trùng tu, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã bổ sung nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý, bổ sung mới nhất là tuyến đường hoàng đạo mới vừa phát lộ dẫn vào hành trình Di sản. Đây là những sản phẩm vừa góp phần bảo tồn vốn quý văn hóa truyền thống, vừa mang lại nét mới, tạo sự sống động cho di tích, được khách du lịch, nhất là khách quốc tế đánh giá cao và hào hứng đón nhận trong mỗi tour đến Mỹ Sơn.

Để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa bảo tồn di sản, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã phối hợp chuyên gia Ấn Độ xây dựng nhà trưng bày bổ sung, đồng thời số hóa nhiều hiện vật được tìm thấy trong trong quá trình khai quật, khảo cổ trong khuôn viên Di sản.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã được tích hợp thêm ngôn ngữ Italy, Tây Ban Nha để bổ sung vào sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ, nâng tổng số ngôn ngữ được thuyết minh tại di tích lên 8 ngôn ngữ gồm: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha. Du khách chỉ cần nhập mã vé hoặc quét QR code với ứng dụng "Di tích Mỹ Sơn" trên App Store hoặc CH Play, khu đền tháp Mỹ Sơn với 40 câu chuyện kỳ bí tương ứng với 40 điểm dừng chân sẽ đưa du khách đến thế giới Mỹ Sơn huyền ảo, thung lũng thần linh trên nền tảng số.

Trải nghiệm thung lũng thần linh Mỹ Sơn huyền bí, chị Lindy, du khách đến từ Hoa Kỳ chia sẻ, với sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ, du khách có cơ hội để mở rộng hiểu biết của mình đối với Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn bằng ngôn ngữ phù hợp. Tại các bảo tàng, các di tích nổi tiếng trên thế giới như Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Quốc gia London (Anh), Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ) đều sử dụng công nghệ Audio Guide thay cho hướng dẫn viên thuyết minh. Vì vậy, sử dụng công nghệ để thuyết minh cho các giá trị của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là cách làm hay, giúp du khách tìm hiểu được nhiều thông tin bổ ích về di sản này.

Mặt khác, để tạo sự hài hòa với tự nhiên và không gian khu di sản, cùng với việc dịch chuyển các cơ sở dịch vụ khỏi vùng lõi di tích, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đầu tư nhiều hạng mục hạ tầng như nâng cấp chất lượng đường giao thông đến các nhóm tháp, các điểm dừng chân, phát triển dịch vụ xe điện thân thiện với môi trường; đầu tư xây mới các công trình vệ sinh tại các vị trí thích hợp, cải tạo hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống phun sương làm mát các tuyến đường đi bộ và đường xe điện để vừa bảo vệ môi trường, vừa phù hợp với loại hình du lịch hiện đại.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Nguyễn Công Khiết, từ nay đến năm 2030, ngoài sản phẩm truyền thống, sẽ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại vùng đệm và vùng lõi trên vùng rừng cảnh quan rộng gần 1.200 ha của Di sản.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, khu vực, các địa phương trong nước và quốc tế có thị trường khách lớn; duy trì có hiệu quả mối liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam “Ba địa phương - Một điểm đến” và đẩy mạnh hoạt động liên kết với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Hà Giang phục hồi du lịch, khẳng định vị thế điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á
Hà Giang phục hồi du lịch, khẳng định vị thế điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á

Ngày 14/10 tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá và kích cầu du lịch với chủ đề “Hà Giang - Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN