Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình - Bài 1: Tiềm năng vùng đất Cố đô

Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, Ninh Bình còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, vùng đất của những kỳ quan, trầm tích lịch sử lâu đời, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới độc đáo.

Với những lợi thế vốn có, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xác định được các giá trị bản sắc riêng có của địa phương làm cơ sở để phát triển du lịch Ninh Bình. Những giải pháp này góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình "bay cao bay xa". 

Chú thích ảnh
Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, tâm linh. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Bài 1: Tiềm năng vùng đất Cố đô

Kinh đô Hoa Lư xưa là nơi đóng đô của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý. Triều đại đầu tiên nhà Đinh trị vì đất nước bắt đầu từ khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế vào năm 968, lập nước Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Là một vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Ninh Bình cũng là vùng đất có tài nguyên địa hình đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn trên nền cảnh quan đặc sắc cùng bề dày lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, một nền văn hóa Kinh kỳ - Đô hội còn tiếp nối, vang vọng đến ngày hôm nay. Đã hơn một nghìn năm, kể từ khi Hoa Lư trở thành Cố đô, vùng đất Ninh Bình cổ xưa giờ đã có nhiều đổi khác nhưng âm hưởng giá trị văn hóa lịch sử của kinh đô Hoa Lư vàng son một thủa vẫn còn vang vọng.

Hồn cốt vùng đất Cố đô

Thế kỷ X là cột mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là thế kỷ bản lề, khép lại thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc và mở ra thời đại độc lập dân tộc. Ở vào thế kỷ X, vùng đất Hoa Lư được người dân nước Việt, được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm nơi xây dựng kinh đô. Kinh đô Hoa Lư - một kinh đô có không gian giao thoa về tự nhiên và văn hóa xã hội, có vai trò lớn lao trong lịch sử dân tộc, biểu trưng cho tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường và thống nhất quốc gia, một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm, qua các triều đại nhà Đinh (968 - 979), triều đại nhà Lê (980 - 1009) và đầu nhà Lý, hình thành trên cơ sở chấm dứt tình trạng cát cứ để tạo ra một quốc gia độc lập, thống nhất về mặt chính trị tạo tiền đề cho sự phục hưng, mở ra nền văn hiến Đại Việt liên tục phát triển tiếp theo đến các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn và là tiền thân của nước Việt Nam ngày nay. Di sản văn hóa còn lại ngoài những dấu ấn vật chất, dấu tích tường thành, cung điện còn là kinh nghiệm tổ chức hành chính (chính quyền trung ương tập quyền), kinh nghiệm ngoại giao của dân tộc. Trong Khu Di tích cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ…Các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đều đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau.

Trong số các di tích trên nổi bật là hai ngôi đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành trên địa bàn của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá có tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có đền thờ công chúa Phất Kim, thờ con gái Vua Đinh, chùa Nhất Trụ nổi tiếng với cột đá khắc kinh phật ở thế kỷ X. Cùng với những di sản văn hóa vật thể ấy là những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Hoa Lư với tích cờ lau tập trận, lễ rước nước… hay tín ngưỡng thờ thần núi, tín ngưỡng thờ Mẫu cùng các tín ngưỡng tôn giáo khác gắn với các địa danh huyền thoại. Những di sản văn hóa phi vật thể ấy đã tồn tại hàng ngàn năm ở những làng quê - làng nghề bên những công trình di tích lịch sử, là phần hồn văn hóa dân tộc Việt.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học cho biết, Ninh Bình là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của người Việt cổ, là nơi lắng đọng nhiều lớp trầm tích của các tộc người bản địa cư trú từ thời tiền sử liên tục cho đến khi tiếp nhận những ảnh hưởng về chính trị - xã hội - văn hóa từ phương Bắc ở những thế kỷ đầu Công nguyên, thể hiện qua những phát hiện khảo cổ học và những di tồn văn hóa dân gian. Có thể khẳng định, đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc, điểm lại những di sản văn hóa trên đất Ninh Bình cho chúng ta thấy một bức tranh di sản của ông cha đa sắc màu, sâu lắng hồn sông núi. Dấu tích thành quách xưa cùng hàng ngàn công trình kiến trúc, di vật, di văn, bia đá vẫn đang thi gan cùng tuế nguyệt. Những di tích, di vật ấy đang được bảo tồn và phát huy giá trị.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, tại Đền thờ Vua Đinh còn treo đôi câu đối: "Cồ Việt quốc đương Tổng Khai Bảo; Hoa Lư đô thị Hán Tràng An". Đôi câu đối nói nên niềm tự hào dân tộc rằng Hoa Lư là một nơi kinh đô sầm uất không kém gì kinh đô Tràng An. Trên thực tế, với vai trò là một kinh đô của một đất nước độc lập, tự chủ, dù là triều Đinh lựa chọn nơi hiểm yếu, ở nơi núi cao, sông rộng, dễ thủ, khó công... nhưng với 42 năm là trung tâm đầu não của đất nước, Hoa Lư đã thu hút những tinh anh của đất nước như hoàng gia, quý tộc, tăng lữ và những tầng lớp quan lại, người có địa vị trong xã hội đến cư trú. Từ đó đã hình thành nên các giá trị văn hóa đô thị, phong cách ứng xử của con người đất kinh kỳ, khác hẳn với tâm lý nông dân - nông nghiệp - xóm làng của cư dân vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ vốn lấy nông nghiệp làm gốc của sự phát triển kinh tế.

Tại đây, những ứng xử của nhà nước với Phật giáo cũng góp phần xây dựng nên giá trị văn hóa tâm linh mang sắc thái quốc gia, dân tộc với sự phát triển của Phật giáo là Quốc giáo. Điều này còn ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử phát triển dân tộc. Sự dung hòa các giá trị văn hóa, tôn giáo từ các nền văn minh lớn trên cơ tầng văn hóa bản địa từ đó hình thành nên một đặc trưng văn hóa riêng không trộn lẫn mà ở thế kỷ X lịch sử đã lựa chọn Hoa Lư - Ninh Bình làm nơi hình thành minh định những giá trị văn hóa mới của một đô thị được lựa chọn làm kinh đô của cả nước sau hơn ngàn năm Bắc thuộc.

Vùng đất địa linh nhân kiệt, truyền thống văn hóa đặc sắc

Chú thích ảnh
Bến đò Tràng An. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Lịch sử, địa lý Ninh Bình thay đổi theo từng thời đại nhưng vẫn sáng mãi niềm tự hào là mảnh đất sinh ra những hào kiệt từ xưa tới nay. Dải đất này đã được các nhà chiến lược quân sự từ thời phong kiến coi "là cổ họng giữa Bắc, Nam" (Đại Nam nhất thống chí) nên bao cuộc hành quân thần tốc vào Nam hay ra Bắc vẫn âm vang mặt đất nơi này. Đất Ninh Bình ken dày vết chân lịch sử. Hoa Lư là nơi khai sinh ra vương triều Lý với áng văn "Chiếu dời đô" lịch sử…Tinh anh sông núi, hoàn cảnh lịch sử khiến vùng đất ấy đã sinh ra những "nhân kiệt" như Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, các danh tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Hoàng hậu Dương Vân Nga, Quốc sư Nguyễn Minh Không, nhà thơ Trương Hán Siêu, bảng nhãn Vũ Duy Thanh, tiến sĩ Ninh Tốn, danh nhân văn hóa Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật... Trải hàng nghìn năm lịch sử, danh nhân hào kiệt đất Ninh Bình đời nào cũng có.

Bên cạnh đó, vùng đất cố đô Ninh Bình thừa hưởng những di sản lịch sử, văn hóa của vùng kinh đô cổ hơn nghìn năm lịch sử. Ninh Bình hiện có 1.821 di tích được kiểm kê, trong đó, 395 di tích đã được xếp hạng, gồm một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có ba di tích quốc gia đặc biệt), 314 di tích cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình khẳng định, di tích và danh thắng Ninh Bình cùng các di sản văn hóa phi vật thể với tín ngưỡng thờ Phật, nhân thần, thiên thần, đặc biệt là hệ thống thờ tự và lễ hội liên quan đến các nhân vật, sự kiện lịch sử dưới triều Đinh và Tiền Lê đã thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa của mảnh đất này, là minh chứng khoa học cho lịch sử phát triển của vùng đất Cố đô Hoa Lư xưa. Trên nền tự nhiên và lịch sử đó, con người đã xây dựng nên một vùng đất văn hóa nhân văn đặc sắc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng, định vị thương hiệu địa phương là tạo được dấu ấn riêng biệt, độc đáo. Một trong những yếu tố tạo nên hình ảnh, thương hiệu của địa phương là thương hiệu văn hóa, thương hiệu điểm đến và thương hiệu sản vật. Những yếu tố đó gắn liền với giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống thể hiện trong các di sản văn hóa của địa phương, trong đó có hệ thống di sản văn hóa vật thể. Vì vậy, bên cạnh việc vận dụng các nguyên tắc của marketing và xây dựng thương hiệu địa phương, Ninh Bình cần quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh một vùng cảnh quan kỳ thú môi trường trong lành, kết hợp đa dạng trong phong tục, tập quán truyền thống trên cơ sở tôn trọng màu sắc văn hóa bản địa khác biệt, đồng thời cần tập trung khai thác thế mạnh di sản văn hóa vật thể đặc sắc của tỉnh, đồng thời, cần có định hướng phát triển hài hòa, cải bằng, tôn trọng các yếu tố nội tại của di sản, hướng đến phát triển một cách có chiều sâu và bền vững.

Thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh phối hợp cùng các cấp, ngành liên quan tiếp tục khai thác yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa địa phương để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Ninh Bình dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống địa phương; đồng thời phát huy các giá trị di sản nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Ninh Bình.

Bài cuối: Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch

Hải Yến (TTXVN)
Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình - Bài cuối: Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch
Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình - Bài cuối: Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN