Đẩy mạnh liên kết hợp tác du lịch với Thủ đô Hà Nội

Trong phần tham luận tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 17/6, nhiều đại biểu đề xuất Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh tới việc liên kết thu hút khách, tạo sản phẩm mang tính đặc trưng.

Khách du lịch trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, một trong những tiềm năng Hà Nội cần phát huy là lĩnh vực du lịch. Trong đó, nên tập trung vào tiềm năng phát triển du lịch, ẩm thực, đồng thời liên kết với các tỉnh miền Bắc và các tỉnh trên toàn quốc.


“Hà Nội trở thành trung tâm kết nối và lan toả. Việt Nam là một trong 18 quốc gia có tiềm năng phát triển về du lịch. Hà Nội lại là một trong 10 địa phương có tăng trưởng tốt nhất cả nước về du lịch nên đây sẽ là tiềm năng lớn, là lợi thế cho Hà Nội. Thời gian tới, VCCI và Hà Nội tổ chức hội nghị về xúc tiến du lịch và để thu hút khách và phát triển sản phẩm đặc trưng của Thủ đô", ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.


“Điểm đáng nói, Hà Nội đang có lợi thế để trở thành một thành phố lớn có điểm đặc thù khác biệt so với các nước ASEAN. Nếu xét về địa kinh tế, chính trị, khí hậu, thời tiết, các thành phố lớn trong khu vực này đều nóng như TP Hồ Chí Minh, ngồi ở Jakarta, Singapore không khác ở Manila hay Bangkok... Riêng Hà Nội lại có đặc trưng thời tiết 4 mùa, có không gian văn hóa tiểu vùng khí hậu, có rất nhiều giá trị về văn hóa lịch sử, du lịch. Với không gian lợi thế như vậy, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thương mại, kinh tế, du lịch lớn của cả khu vực. Vì vậy, Hà Nội phải hướng đến một tầm nhìn, một khát vọng vươn lên mạnh mẽ để trở thành trung tâm của cả khu vực”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.


Trong khi đó, với góc nhìn của địa phương trong vùng đồng bằng Bắc bộ, ông Đinh Chung Phụng Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Ninh Bình cho biết: Hội nghị là cơ hội để Ninh Bình và các tỉnh địa phương trao đổi hợp tác. Ngành du lịch Ninh Bình thời gian qua có sự phát triển mạnh mẽ với hai khu du lịch cấp quốc gia và 7 khu du lịch cấp tỉnh, với cơ sở vật chất được nâng cao, sản phẩm du lịch đa dạng tạo sức hấp dẫn với du khách. Trong năm 2017, tỉnh đón 7,5 triệu lượt khách và trên 4,5 triệu trong đầu năm 2018, qua đó tạo lượng lớn việc làm cho người dân đồng thời duy trì bảo tồn di tích văn hóa lịch sử nhằm phát triển du lịch bền vững.


Để có những thành tựu đó, Ninh Bình đã ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh cũng như Thủ đô Hà Nội, phấn đấu phát triển du lịch lịch sử - văn hóa – thiên nhiên – tâm linh – cộng đồng – nghỉ dưỡng để thu hút du khách trong và ngoài nước. Theo quyết định của Chính phủ, Ninh Bình sẽ đăng cai Năm du lịch quốc gia năm 2020 với chủ đề Con đường Di sản Thế giới của Việt Nam. “Để chuẩn bị tốt cho sự kiện này, Ninh Bình tiếp tục chủ trương liên kết các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là TP Hà Nội thông qua khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch địa phương, tiếp tục thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch bền vững, cũng như đóng góp xây dựng đất nước bền vững”, ông Đinh Chung Phụng cho biết.


Đánh giá về phát triển du lịch trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thành phố tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế tại không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng... Khởi công xây dựng mới 7 công viên hiện đại, đã hoàn thành 4 công viên, góp phần tăng độ phủ xanh, tạo cảnh quan đô thị, đồng thời cải thiện môi trường cho Thành phố. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2017, Hà Nội đón hơn 23,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế tăng 23% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017.


Về định hướng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ cùng các tỉnh, thành phố trong vùng, sẽ xây dựng kế hoạch khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để giải quyết các vấn đề chung như: xử lý môi trường; phát triển năng lượng xanh; khởi nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu thụ, chế biến, nông, lâm, hải sản, dịch vụ, du lịch; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới trên mọi lĩnh vực.


Đáng chú ý, trong danh mục 553 dự án Hà Nội giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, có 91 dự án liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch.

XC/Báo Tin tức
Hà Nội kiên định mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Hà Nội kiên định mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, diễn ra ngày 17/6/2018, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phát biểu khai mạc, khẳng định: Đây là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” , khẳng định sự kiên định mục tiêu của Thành phố là: “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng tái cơ cấu kinh tế Thành phố”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN