Đầu tư cho xúc tiến du lịch-Bài toán nan giải?

Trong thời kỳ hội nhập, đối mặt với sự cạnh tranh của các nước trong khu vực, những tác động khách quan đặt ngành du lịch trước nhiều thách thức. Để thu hút khách quốc tế đương nhiên cần phải có cách làm chuyên nghiệp, nhưng câu hỏi đầu tiên luôn đặt ra là “tiền đâu”?

Bài 1: Ngân quỹ hạn hẹp - “Liệu cơm gắp mắm”

Để thu hút khách, công tác xúc tiến du lịch phải đi trước một bước. Tuy nhiên, với ngân quỹ cho xúc tiến bị giảm so với năm 2010, nhiều người đặt câu hỏi, liệu hoạt động xúc tiến năm nay có đạt hiệu quả như mong muốn?

Ngân sách bị cắt giảm

Để tiếp tục thu hút khách đến Việt Nam, ngay từ đầu năm, Tổng cục Du lịch đã đề xuất chương trình quảng bá theo chiều sâu, hướng vào những thị trường trọng điểm, là cách làm đã đem lại thành công của du lịch Việt Nam trong năm vừa qua. Tổng cục Du lịch đề xuất phương án: Với mỗi du khách đến Việt Nam, chúng ta nên dành 1 USD để tái đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến quảng bá.

Đón khách du lịch tàu biển quốc tế Amadea tại cảng Sài Gòn trong dịp đầu năm 2011. Ảnh: Tràng Dương – TTXVN


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi trong 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, thì có 2 triệu lượt khách là đối tượng được miễn lệ phí visa như Việt kiều hoặc một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc... Số lượng còn lại khoảng 3 triệu lượt khách với lệ phí thu là 25 USD/người. Tính ra, riêng tiền thu phí visa cũng được 75 triệu USD, tương đương 1.500 tỷ đồng. Khoản tiền này chỉ là “phần nổi trên mặt nước của tảng băng” mà du lịch đóng góp với nền kinh tế. Ngoài ra, đóng góp của du lịch cho ngân sách trực tiếp là rất lớn, từ việc thu thuế, dịch vụ bán hàng tới khách; tiếp đó là tác động của du lịch tới các ngành kinh tế khác; tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiệu ứng của du lịch với xã hội là rất lớn”.

Trong 10 năm vừa qua, ngành du lịch đã tạo ra nền tảng nhất định về cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ; nguồn nhân lực; sản phẩm - điểm đến. “Vấn đề bây giờ là làm sao để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Việc thu hút khách lệ thuộc vào việc chúng ta có mang được thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm của mình ra giới thiệu để khách quốc tế biết được chúng ta có những sản phẩm du lịch như thế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo thông báo mới đây, số tiền dành cho xúc tiến du lịch năm 2011 chỉ còn 35 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với năm 2010. Được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nguồn thu ngoại tệ gần 5 tỷ USD, nhưng đầu tư cho du lịch ngày càng giảm thì du lịch khó phát triển được.

Ngân quỹ nhỏ liệu có thực thi được nhiệm vụ lớn

Với số tiền dành cho xúc tiến bị cắt giảm, nhiều người am hiểu trong lĩnh vực này đã đặt câu hỏi, liệu có thể thực hiện được những chương trình xúc tiến quy mô lớn, quy mô cấp quốc gia? Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp du lịch lớn của Việt Nam đều đang đẩy mạnh tăng chi cho xúc tiến. Saigontourist năm nay chi 140 tỷ đồng cho xúc tiến, quảng bá du lịch. Vietravel cũng tăng từ 23 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch. “Có thể thấy ngân sách dành cho xúc tiến du lịch của một cơ quan nhà nước còn chưa bằng công ty lữ hành”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhận xét.

Nếu so sánh với mức chi trung bình các nước trong khu vực, càng thấy ngân quỹ dành cho xúc tiến của Việt Nam quá thấp. Một số nước du lịch phát triển chi từ 8 - 10 USD/khách quốc tế cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Thái Lan chi 100 triệu USD/năm, Malaixia dành 118 triệu USD/năm hay Xinhgapo bỏ ra 70 triệu USD/năm cho chiến dịch quảng bá du lịch. Trong khiì tổng kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến quốc gia của Việt Nam năm 2011 chỉ vào khoảng 1,75 triệu USD (tương đương 35 tỷ đồng). Những con số đó cũng một phần nào cho thấy vì sao các nước trên thu hút nhiều khách quốc tế hơn Việt Nam.

Do ngân sách hạn hẹp, việc xúc tiến du lịch bị hạn chế khá nhiều. Ông Tuấn dẫn chứng về kinh phí cho việc tham gia hội chợ du lịch quốc tế tại Béclin (Đức) ITB 2011, Tổng cục Du lịch chỉ đóng góp 60.000 USD, bằng khoảng 1/4 tổng chi phí tham gia (hơn 210.000 USD). Có thể thấy kinh phí tham dự hội chợ lần này phụ thuộc chủ yếu vào địa phương và doanh nghiệp. “Với kinh phí eo hẹp như thế, hoạt động xúc tiến du lịch khó mà ra tấm, ra món”, ông Tuấn thừa nhận.

Theo các chuyên gia du lịch, với những nguy cơ tiềm ẩn lạm phát, khủng hoảng kinh tế, nên rất có thể lượng khách đi du lịch quốc tế bị ảnh hưởng. Đúng ra lúc này rất cần chương trình xúc tiến có trọng điểm để hút khách thì chúng ta lại cắt giảm ngân sách cho xúc tiến, quảng bá du lịch. Nếu không đầu tư cho xúc tiến du lịch thì mục tiêu đón 5,3 triệu lượt khách quốc tế năm nay khó hoàn thành. Trong khi đó, trong năm 2010 vừa qua, việc đón được 5 triệu lượt khách quốc tế, con số lớn nhất từ trước đến nay của ngành du lịch thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thành công này là công tác xúc tiến được đầu tư mạnh, quảng bá đúng trọng tâm, trọng điểm.

Xuân Cường

Bài 2: Tiến tới xã hội hóa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN