Đầu tư cho xúc tiến du lịch: Bài toán nan giải

Nguồn kinh phí đã eo hẹp, công tác xúc tiến lại đang bị “gò bó” bởi nhiều cơ chế xin - cho, khiến hoạt động xúc tiến đang bị vướng. Để giải quyết vấn đề này, cần có chiến lược hành động dài hơi.

Bài 2: Cần có chiến lược dài hơi


Nặng tính hành chính

Những doanh nghiệp lữ hành từng tham gia khảo sát tour, tuyến điểm du lịch với ngành du lịch dễ nhận thấy hoạt động xúc tiến, quảng bá, khảo sát thường diễn ra với tần suất dày đặc vào cuối năm; trong khi những tháng đầu năm chỉ dành “tập trung” giải quyết, thanh quyết toán những sự vụ năm trước và chuẩn bị các thủ tục cho các dự án, chương trình trong năm.

“Hiện công tác hành chính đang bó chân hoạt động xúc tiến du lịch; trong khi lĩnh vực này đòi hỏi phải năng động, bởi mỗi thị trường có một quy luật riêng, đòi hỏi phải có kế hoạch xúc tiến du lịch liên tục và dài hơi”, một đại diện doanh nghiệp lữ hành nhận xét.

Đó là chưa kể định mức chi dành cho quảng bá, xúc tiến hạn chế dẫn tới cơ chế giải ngân rất bất cập, định mức tài chính không hợp lý. Chẳng hạn, khi tham gia hội chợ, các sự kiện ở nước ngoài, ngành du lịch thường thiếu tiền để tổ chức các hoạt động phụ trợ như: Họp báo, tiếp tân, quảng bá trực quan...

Du khách nước ngoài tham quan miệt vườn tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN


Chính vì vậy, trong khi các gian hàng của Thái Lan, Philíppin hay Inđônêxia thường rất ấn tượng, hoành tráng, mang tầm vóc quốc gia, thì gian giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam lại tỏ ra mờ nhạt. Hoặc như tổ chức đoàn khảo sát trong nước, định mức thuê phòng nghỉ, mức ăn đến việc thuê phương tiện còn nhiều bất cập… dẫn đến việc hoàn tất các thủ tục này mất rất nhiều thời gian.

“Ai cũng chỉ ra được những bất cập của hoạt động xúc tiến quảng bá song dường như chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đề cập trong các cuộc tọa đàm, hội thảo. Trên thực tế, các chương trình xúc tiến nếu không có kinh phí, không có cơ chế vận hành tốt với yêu cầu thị trường thì không thể làm gì tốt hơn được”, ông Kai Marcus Schoroter, chuyên gia du lịch người Đức, người có trên 12 năm kinh nghiệm làm du lịch tại Đông Dương nhận xét.

Đề xuất thành lập Cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia

“Đã bộc lộ ra rất nhiều vấn đề trong xúc tiến du lịch. Trong quá trình phát triển du lịch, chúng ta sẽ tiếp thu điều chỉnh những cái hạn chế để hoạt động đi theo đúng quỹ đạo, quy luật. Tổng cục Du lịch đề xuất với lãnh đạo Bộ và về mặt chủ trương đã được chấp thuận, sẽ sửa đổi Quyết định 63 của Thủ tướng chính phủ, đề xuất sửa đổi quy định chức năng, tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch, trong đó có đề xuất thành lập cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia.

Tên gọi có thể là Trung tâm hay Cục Xúc tiến du lịch. Khi nghiên cứu, Tổng cục sẽ có đề xuất dự án cụ thể nhưng đó sẽ là cơ quan chuyên làm nhiệm vụ xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp để quản lý, chịu trách nhiệm giải ngân các đề án, chương trình xúc tiến du lịch được giao”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết - “Trong các cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng nhất trí với đề xuất này, hiện Tổng cục Du lịch đồng thời làm 2 việc: Đề xuất sửa đổi Quyết định 63; đồng thời xây dựng đề án để khi quyết định được sửa đổi, điều chỉnh thì đề án được trình luôn”.

Được biết, trước đây, do nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến du lịch, Tổng cục Du lịch cũng lập Cục Xúc tiến làm đầu mối cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Thế nhưng, đơn vị này đã bị đổi thành Vụ Thị trường khi Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ VH,TT&DL. Nhân lực làm công tác xúc tiến quảng bá bị “chia năm, xẻ bảy” về nhiều đơn vị trong Bộ. Nhận thấy việc thiếu “nhạc trưởng” đang làm phân tán nguồn lực, nên việc thành lập một trung tâm đầu mối là việc làm cần thiết.

Bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty Phượng Hoàng tại Hà Nội, người có gần 30 năm gắn bó với hoạt động thị trường du lịch nhận xét: “Rất nhiều chính sách, định hướng của Tổng cục Du lịch rất phù hợp cho việc thu hút khách, nhưng lại bị triển khai muộn do bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính, vốn đầu tư hạn hẹp.

Mỗi thị trường khách quốc tế có những hoạt động xúc tiến riêng, nên cần những người làm chuyên nghiệp ở từng thị trường. Và sau đó cần phải quy tụ lại đơn vị tổng thể để hoạt động xúc tiến diễn ra có bài bản. Với khách quốc tế, chương trình xúc tiến thường phải làm trước cả năm, thậm chí trước đó 2-3 năm, nên rất cần cơ quan chuyên môn đủ tầm và dài hơi cộng sức với doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn “tự thân vận động” là chính trong xúc tiến và hút khách quốc tế”.

Những bất cập trong công tác xúc tiến du lịch ai cũng nhận ra, nhất là khi so sánh với nước ngoài. Không chỉ bị hạn chế bởi nguồn đầu tư, nguồn nhân lực mà cơ chế hành chính khiến nhiều người làm công tác xúc tiến dù có ý tưởng hay, hoặc muốn triển khai cũng khó mà làm được. Đó cũng là những rào cản hướng tới sự chuyên nghiệp, có chiều sâu trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN