Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh hiện chiếm hơn 50% doanh thu toàn ngành du lịch cả nước, số lượng khách quốc tế đến Thành phố cũng chiếm ưu thế so với các địa phương khác.
Trong 10 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 6,1 triệu lượt, tăng 20,2% so cùng kỳ, đạt 81,28% kế hoạch năm (7,5 triệu lượt khách); doanh thu đạt 112.636 tỷ đồng, tăng 20,08% so cùng kỳ và đạt 86% kế hoạch năm (138.000 tỷ đồng).
TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng đầu tư, khai thác các thế mạnh để phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt đã tập trung khai thác nhiều tuyến đường thủy tiềm năng như: Phát triển tuyến buýt đường sông từ quận 1 đi quận Thủ Ðức; mở tuyến giao thông thủy từ trung tâm thành phố đi huyện Cần Giờ, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)… Nhiều lễ hội, sự kiện lớn của Thành phố được nâng tầm đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến với thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, du lịch Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, dù có nhiều tiềm năng, nhưng du khách nước ngoài phần lớn chỉ biết đến Thái Lan, điều này cho thấy công tác quảng bá, sản phẩm du lịch của chúng ta còn hạn chế.
Ngoài ra, các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch cũng thiếu sự kết hợp giữa các tỉnh, ngành, vùng nên hiệu quả không cao. Sản phẩm du lịch thì đơn điệu, thiếu sức hút, không có nhiều đổi mới. Ví dụ như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động du lịch của các địa phương cứ na ná giống nhau, chỉ đơn thuần đờn ca tài tử, chợ nổi... không có gì mới mẻ khiến du khách đi một lần là không muốn quay lại lần sau. Hay các ngôi chùa, bảo tàng... là những nơi có bề dày di tích, luôn thu hút đông lượng khách, nhưng các địa điểm này ít được trùng tu, tôn tạo nên xuống cấp. Đơn cử như Bảo tàng Lịch sử có 6 bảo vật quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật cũng có một bảo vật quốc gia có khả năng thu hút lượng khách lớn nhưng hoạt động lại không hiệu quả...
Từ thực tế này, ông Phong đề nghị ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cần phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách đến và đến nhiều lần.
“Nếu chúng ta xác định du lịch là ngành công nghiệp không khói thì các ngành liên quan phải có sự phối hợp trong việc nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Riêng Sở Du lịch, với tư cách quản lý Nhà nước, cần phải nhanh chóng đưa ra chiến lược phát triển du lịch, hiện các đơn vị đang làm rất chậm công tác này. Mặt khác, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP Hồ Chí Minh rất sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp, mời gọi chuyên gia quốc tế đánh giá, đưa ra các giải pháp đột phá. Bên cạnh đó, Thành phố sẵn sàng hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch một cách kịp thời vì sự phát triển chung”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm du lịch, đây cũng là dịp để ngành du lịch tăng tốc kéo du khách đến Thành phố. Để thu hút du khách, trong tháng 11 này, đơn vị sẽ đón 2 đoàn du khách đến từ Thụy Điển và tháng 12 sẽ thực hiện giải Marathon quốc tế. Ngoài ra, sẽ mở tour Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn nhằm hưởng ứng kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, Thành phố sẽ có nhiều hoạt động lễ hội tại đường hoa, đường sách...
“Đây là những cơ hội quảng bá du lịch trên thế mạnh di tích lịch sử văn hóa, ẩm thực, mua sắm; đồng thời là cơ hội kết nối các doanh nghiệp lữ hành. Vì vậy, chỉ tiêu 750.000 lượt du khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh mỗi tháng và 7,5 triệu du khách quốc tế đến trong năm do HĐND Thành phố giao, là có thể đạt được. Ngoài ra, hành phố sẽ tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch đường thủy, đào tạo nguồn nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để giữ chân du khách lâu hơn, đặc biệt là du khách quốc tế”, ông Vũ cho biết thêm.