'Đánh thức' tiềm năng danh thắng quốc gia nơi biên giới Pa Thơm

Nằm ở phía Tây huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km, danh thắng hang động Pa Thơm (còn có tên khác là Thẩm Nang Lai, động Tiên Hoa) thuộc địa bàn 2 xã Na Ư và Pa Thơm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận danh thắng cấp quốc gia năm 2009.

Chú thích ảnh
Cửa chính vào động Pa Thơm. Ảnh: baodienbienphu.info.vn

Đây là một điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn trong hệ thống hang động trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Động Pa Thơm nằm trên độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, bao bọc giữa một khu rừng nguyên sinh rậm rạp với thảm thực vật và sự đa dạng sinh học phong phú, độc đáo. Ngoài ra, gốc tích danh thắng này còn gắn liền với một huyền thoại về tình yêu đôi lứa lúc khai thiên lập địa, trời đất buổi hồng hoang nên có sức hút kỳ lạ đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

Đầy sắc màu huyền thoại

Để đến hang động Pa Thơm, từ thành phố Điện Biên Phủ, xuôi về huyện Điện Biên theo quốc lộ 279 khoảng hơn 10km, đến chợ Bản Phủ rẽ phải về địa bàn xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Từ đây, men theo con đường chạy dọc suối Nậm Núa, đi qua các bản làng người Thái khoảng gần 20km nữa sẽ tới xã biên giới Pa Thơm- nơi sinh sống của cộng đồng người Khơ- mú, Lào, Cống. Hang động Pa Thơm nằm cách trung tâm xã Pa Thơm 3km trên núi cao, theo hướng con đường đi về bản Púng Pon của cộng đồng người Cống.

Về Pa Thơm, gặp người già ở các bản Pa Xa Lào, Pa Xa Xá, chúng tôi được nghe câu chuyện về sự tích của hang động Pa Thơm đầy màu sắc huyền thoại. Thủa xa xưa, vào một ngày đầu xuân, khi hoàng tử mải miết dạo chơi trong rừng, qua con suối Nậm Núa trong xanh thì thấy vướng ở chân, cúi xuống thấy 7 sợi tóc vương vào chân mình. Hoàng tử tiếp tục ngược dòng suối về phía thượng nguồn thì bắt gặp một bãi tắm, trên các phiến đá bằng phẳng có 7 nàng tiên đang ngủ say. Hoàng tử đã ghé sát môi hôn lên nàng tiên thứ 7 và thì thầm ngỏ lời cầu hôn với nàng. 

Câu chuyện đến tai Then (Vua Trời) và được vị Vua này tác thành cho đôi nam nữ nên vợ nên chồng nhưng với một điều kiện là trong vòng bảy ngày, bảy đêm, bảy khắc hoàng tử phải sắm đủ các thứ lễ vật để cảm tạ trời đất, sau đó mới được chạm vào nàng tiên mà hoàng tử đã ngỏ lời cầu hôn. Tiếc thay, khi thử thách chỉ còn một khắc cuối cùng, do không kìm nén được lòng mình, Hoàng tử đã chạm tay vào người nàng. Liền sau đó, một tiếng nổ long trời lở núi vang lên, đá trên vách núi đổ ập xuống hiện một cửa hang lớn và một cơn gió mạnh ào tới cuốn nàng tiên bay vào mất hút trong đó. Hoàng tử hốt hoảng lao theo và phải giao chiến với con trăn thần nằm canh giữ cửa hang. Khi trăn thần bị chém thành 3 khúc, Hoàng tử chạy sâu vào trong hang thì nàng tiên đã bay về Thiên cung bằng lối nhỏ hướng lên trời nằm sâu trong hang. Quá tuyệt vọng và buồn đau vô hạn, hoàng tử quay về chỗ hai người gặp nhau ban đầu, đứng nhìn về dãy núi phía Đông và hóa thành đá ở đó. Chỗ hoàng tử đứng, người dân vẫn gọi là Pú Tạo Nòn - Núi chàng ngủ; còn chỗ nàng tiên say giấc ngủ thì có tên Pú Nang Nòn - Núi nàng ngủ.
         
Con đường từ cửa ngõ thung lũng Pa Thơm tứ bề là núi dẫn đến hang động Pa Thơm vào mùa xuân thật đẹp khi hai bên lối đi được phủ bởi các loại hoa dại đang đua nở. Rời khỏi bản Pa Xa Lào, du khách sẽ bắt gặp cây cầu treo bắc qua dòng suối Nậm Núa nước trong xanh, khung cảnh yên bình và thơ mộng. Từ đây,  du khách sẽ lạc vào khung cảnh thiên nhiên trong lành, được hít thở khí trời khoáng đãng, ngắm cảnh núi non điệp trùng trong mờ ảo sương giăng, nghe tiếng chim hót líu lo chuyền cành, suối chảy róc rách; phía xa là cảnh bản làng, những nếp nhà truyền thống của cộng đồng các dân tộc Khơ-mú, Cống, Lào đang quần tụ bên nhau dưới chân núi… Đặc biệt hơn, từ chỗ nghỉ chân để bắt đầu hành trình đến được cửa hang động Pa Thơm, du khách sẽ phải đi bộ một quãng đường dốc dài hơn khoảng 300m. Tuy đường mấp mô đá nhưng du khách sẽ dễ dàng quên đi những mệt mỏi vì được trải nghiệm nhiều điều lý thú mà cảnh rừng nguyên sinh mang lại: những tảng đá phủ bám đầy rêu xanh xuất hiện trên lối đi, vô số các loại dây deo, cây ký sinh giăng mắc trên cao, nhiều loài kỳ hoa dị thảo và sương mù mờ ảo bao quanh khiến du khách như lạc vào xứ sở cổ tích...

Tiềm năng du lịch lớn

Xét về cấu tạo thì hang động Pa Thơm có nét độc đáo, kỳ vĩ riêng làm du khách bất ngờ và thích thú ngay từ lúc đặt chân lên cửa hang động. Cửa động hình vòm, cao hơn 10 m, rộng gần 20 m, có mái nhô ra phía ngoài hơn 5m với dáng vẻ cổ, lạ khêu gợi trí tưởng tượng cho người xem. Đi vào cửa hang, du khách bắt gặp ngay ở cửa động một nhũ đá khổng lồ hình một con voi đang thủ phục. Vào sâu trong hang khoảng 20 m, có 3 khối nhũ đá (tổng chiều dài khoảng 15 m) nằm chắn ngang trên đường, đứt thành ba đoạn tạo thành hai lối dẫn vào động.

Truyền thuyết kể lại 3 khối nhũ đá này là thân con trăn mà Hoàng tử đã chặt đứt trong nỗ lực chạy theo nàng tiên bị gió cuốn vào cửa hang. Để khám phá hết chiều dài của hàng động du khách phải đi hết 9 cung vòm có diện tích lớn bé khác nhau với chiều dài khoảng 350m. Do là hang động tự nhiên, chưa có trang bị hệ thống điện thắp sáng nên du khách phải mang theo nến, đèn pin thắp sáng. Trải nghiệm không gian động, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp vô số nhũ đá tự nhiên mang hình dáng lạ mắt, kỳ thú, khi có ánh sáng tác động vào thì các nhũ đá này ngời lên vân tinh, sáng lấp lánh; trong không gian tĩnh lặng, từ thành động và các nhũ đá các giọt nước rơi tí tách cũng tạo nên âm thanh lạ tai, cuốn hút. Đặc biệt hơn, sâu trong hang động có một giếng nhỏ, người dân địa phương quen gọi là “giếng không đáy” vì khi thả những viên đá có kích cỡ khác nhau xuống thì chẳng nghe thấy âm thanh tiếng động của viên đá va vào thành giếng, đáy giếng. 

Hang động Pa Thơm ngoài chức năng là địa điểm có tiềm năng du lịch độc đáo, danh thắng này còn chứa đựng những giá trị lịch sử to lớn. Theo ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, vào năm 2009, trong một lần tình cờ vào hang động, người dân và chính quyền địa phương đã phát hiện ra một chiếc trống đồng cổ. Hiện nay, chiếc trống đồng này đang được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng lịch sử tỉnh Điện Biên. Hiện tại, trong hang động loài dơi vãn còn sinh sống rất nhiều, nhất là thời gian vào đầu mùa đông, loài rơi từ đâu bay về đậu đen kịt vách đá. Phải có một đặc điểm về sinh thái, khí hậu đặc trưng thì địa điểm này mới thu hút loài dơi này về đây trú ngú, sinh sống trong nhiều tháng liền.

Một điểm nhấn khá lý thú nằm trong cung đường du lịch hang động Pa Thơm mà du khách khó có thể bỏ qua, đó là việc tham quan, trải nghiệm các tiểu vùng văn hóa của cộng đồng dân tộc người Khơ-mú, Cống, Lào sinh sống ở 6 bản trên địa bàn xã Pa Thơm. Người dân ở các bản nơi đây vẫn đang lưu giữ những sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc trong các dịp lễ, hội và trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Điều đặc biệt hơn người dân trên địa bàn xã biên giới Pa Thơm rất hồn hậu, trọng tình, mến khách. Về Pa Thơm, du khách sẽ có dịp được tham quan làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã hơn 100 năm của dân tộc Lào ở bản Pa Xa Lào với những sản phẩm thổ cẩm đầy sắc màu bắt mắt, họa tiết độc đáo dưới những bàn tay của những nghệ nhân tài hoa; ngắm những nếp nhà sàn thanh bình soi bóng bên dòng Nậm Núa trong xanh, buông cần câu cá tận hưởng cuộc sống bình yên nơi miền sơn cước.
    
Hang động Pa Thơm được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh đầu tiên trong hệ thống hang động toàn tỉnh Điện Biên (năm 2009) và có tiềm năng du lịch rất lớn. Tiếc là hiện nay danh thắng này vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đầu tư và có giải pháp thiết thực để “đánh thức” tiềm năng của hang động nổi tiếng và đẹp nhất nhì trong hệ thống hang động trên địa bàn huyện Điện Biên. Thực tế cho thấy, việc tổ chức cho khách đến tham quan, du lịch hang động chưa được chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm, do vậy việc tham quan của khách du lịch còn gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2015, chính quyền xã Pa Thơm hợp đồng với cá nhân ông Lò Văn Nhúng, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên phát dọn cây cỏ, quản lý, bảo vệ hang động nhưng việc làm này thi thoảng ông Nhúng mới thực hiện. Trong những dịp lễ, tết, ông Nhúng mới mang máy phát điện lên thắp sáng một phần hang động và có mặt ở đó để thu vé khách vào động. Nhiều năm qua, tại danh thắng này vẫn chưa có dịch vụ dẫn đường cho khách, vì vậy du khách không thể khám phá hết được không gian của hang động do không nắm bắt được địa hình, địa vật, đường đi lối lại trong hang động và các câu chuyện, điển tích liên quan. Đáng tiếc hơn, vào những ngày bình thường, du khách lên đây phải tự trang bị đèn pin, nến thắp sáng để vào động.

Hải An- Văn Dũng (TTXVN)
Độc đáo nghề dệt thổ cẩm ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên
Độc đáo nghề dệt thổ cẩm ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên

Ngoài việc gìn giữ được bản sắc văn hóa bản địa độc đáo, nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn tạo sinh kế, giúp người dân bản Pa Xa Lào, xã biên giới Pa Thơm, huyện Điện Biên, từng bước ổn định cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN