Xét kỹ điều khoản hợp đồng khi đặt trước kỳ nghỉ
Liên quan đến việc thực hiện Luật Du lịch, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vấn đề quản lý lưu trú đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông Lê Thanh Liêm, từ khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực, Thanh tra Bộ VHTTDL đã triển khai 105 đoàn thanh tra tới các địa phương.
Qua đó, Thanh tra Bộ VHTTDL đã phát hiện và xử phạt 73 trường hợp với tổng số tiền hơn 911 triệu đồng. Riêng năm 2024, Thanh tra Bộ VHTTDL đã triển khai 20 đoàn thanh tra tới các cơ sở lưu trú, kiểm tra 14 Sở Du lịch trọng điểm, xử phạt 404 tổ chức và cá nhân vi phạm với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
"Luật Du lịch 2017 quy định việc tự nguyện xếp hạng sao. Trước đó, việc xếp hạng sao là bắt buộc. Tuy nhiên, quy định mới cho phép các đơn vị không có nhu cầu xếp hạng sao không cần xếp hạng. Điều này gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra", ông Lê Thanh Liêm cho biết.
PGS. TS Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Đông Á chia sẻ: "Hiện nay, một số khách sạn xin không muốn cấp hạng sao. Nếu cơ sở lưu trú không xếp hạng sao sẽ dẫn đến nguy cơ biến tướng trong quảng cáo dịch vụ. Thực tế, nhiều khách hàng phản ánh chất lượng dịch vụ không như quảng cáo. Trong khi đó, việc cấp hạng sao luôn đi kèm các quy định nghiêm ngặt về chất lượng. Do vậy, cần luật hóa việc cấp hạng sao, để thuận lợi cho công tác quản lý".
Nói về mua bán kỳ nghỉ, PGS. TS Nguyễn Đức Thắng cho rằng: "Nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch, đến những người làm du lịch chân chính và gây thiệt hại lớn cho khách hàng. Các hợp đồng đặt trước kỳ nghỉ tới 20 năm nếu không rõ ràng về chất lượng dịch vụ sẽ gây tranh chấp".