Nhằm quản lý, khai thác dịch vụ du lịch tại lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 theo đúng quy định pháp luật, từ năm 2019 đến nay, huyện Mèo Vạc đã ban hành 32 văn bản chỉ đạo, trong đó cho chủ trương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tu Sản; chủ trương để UBND xã Pải Lủng lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2020-2030; phối hợp với Sở Xây dựng khảo sát lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sông Nho Quế; phối hợp với Công ty cổ phần thủy điện Nho Quế 1 trong việc lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sông Nho Quế.
Huyện đã chỉ đạo các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ chủ thuyền hoạt động quy củ và đảm bảo an toàn cho du khách. Hiện tượng chèo kéo khách cũng như việc chở số người quá quy định trên các thuyền không còn. Huyện Mèo Vạc tiếp tục phối hợp với các đơn vị lập quy hoạch, xây dựng bến thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho du khách.
Đến thời điểm hiện tại, khu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 chưa có quy hoạch bến thủy nội địa nên chưa có tuyến vận tải đường thủy nội địa được phê duyệt, công bố theo Mục 2, Điều 6, Nghị định 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Trước đây, du khách xuống bến thuyền để ngắm cảnh có thể đi bằng 2 con đường: một là đường đi bộ xuống bến thuyền qua thôn Hấu Chua; hai là con đường từ Quốc lộ 4C xuống thôn Tà Làng có chiều dài gần 8 km với 49 khúc cua. Con đường xuống thôn Tà Làng nhỏ hẹp, có độ dốc lớn, nhiều đoạn đang sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho du khách, từ đầu năm 2022, huyện Mèo Vạc đã cắm biển cảnh báo du khách không nên đi vào đường này, đồng thời di chuyển bến thuyền về phía thôn Hấu Chua và khu vực đập thủy điện Nho Quế 1.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết huyện đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 4C xuống thôn Tà Làng để du khách có những trải nghiệm đảm bảo an toàn hơn. Tại khu vực đi qua đập thủy điện Nho Quế 1, Công ty Cổ phần thủy điện Nho Quế 1 cũng đang xin chủ trương đầu tư mở tuyến đường xuống lòng hồ. Còn đoạn đường đi bộ qua thôn Hấu Chua được giao cho Hợp tác xã Tu Sản sửa chữa nhỏ.
Việc quy hoạch lại bến thuyền, di chuyển bến thuyền về phía thôn Hấu Chua và khu vực đập thủy điện Nho Quế 1 đã khiến nhiều hộ dân ở thôn Tà Làng hành nghề xe ôm bị ảnh hưởng. Ông Ngô Mạnh Cường khẳng định huyện không ngăn cấm người dân và du khách đi tuyến đường từ Quốc lộ 4C xuống thôn Tà Làng. Huyện chỉ cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và du khách biết. Qua rà soát, đối với người dân thôn Tà Làng có 43 trường hợp hoạt động xe ôm, trong đó có 24 trường hợp hộ gia đình có gắn với thuyền, còn 19 trường hợp bị ảnh hưởng do không hoạt động vận chuyển xe ôm. Thời gian tới, huyện tiếp tục làm việc với hợp tác xã để tạo điều kiện cho những trường hợp này có việc làm và thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Kha, du khách Hà Nội đã ba lần đến với Cao nguyên đá Đồng Văn và ba lần trải nghiệm cả ba cung đường xuống lòng hồ để du thuyền ngắm cảnh cho biết, lần đầu tiên đi bằng xe ôm xuống bến thôn Tà Làng cảm giác rất sợ vì đường hẹp, dốc và quanh co. Lần thứ hai đi đường bộ qua thôn Hấu Chua xuống bến thuyền mất 40 phút nhưng lúc lên mất khoảng một tiếng rưỡi rất mệt. Lần thứ ba được trải nghiệm con đường qua đập thủy điện rất thuận tiện, chỉ phải đi bộ mấy chục mét nên đỡ mệt hơn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tại văn bản số 303/UBND-KTTH ngày 09/2/2022 về việc báo cáo công tác quản lý vận tải thủy nội địa tại khu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Giang đã phối hợp với huyện Mèo Vạc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi về công tác quản lý hoạt động đường thủy nội địa khu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế 1.
Sau buổi làm việc, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép hoạt động tạm thời đến hết ngày 30/9/2022 trong giai đoạn chờ phê duyệt quy hoạch và đầu tư xây dựng bến thủy nội địa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vận tải hành khách du lịch tại khu vực lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, huyện Mèo Vạc.