Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao vừa có Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 5/12/2007 về hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, Nhà nước sẽ tăng mức sinh hoạt phí của lưu học sinh theo từng quốc gia du học. Mức bù sinh hoạt phí ở nhiều nước châu Á và Đông Âu theo diện hiệp định cũng được tăng.
Nhà nước sẽ tăng phí đối với lưu học sinh từng quốc gia và khu vực-Ảnh internet |
So với mức sinh hoạt phí cũ tại Thông tư 144, mức sinh hoạt phí đối với lưu học sinh tại Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 70 USD (từ 350 USD lên 420 USD); tại Mỹ, Canađa, Anh, Nhật Bản tăng 200 USD (từ 1.000 USD lên 1.200 USD); tại Ôxtrâylia, Niu Dilân tăng từ 860 USD lên 1.032 USD...
Về chi phí làm hộ chiếu, visa của lưu học sinh sẽ thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi lưu học sinh được cử đi học đối với chi phí làm visa.
Riêng tiền tạm ứng chi phí đi đường, phí làm hộ chiếu, visa và sinh hoạt phí (không quá 3 tháng tiền sinh hoạt phí) cho lưu học sinh trước khi đi học thực hiện theo phương thức cấp bằng tiền mặt.
Trong thời gian lưu học sinh về công tác hoặc nghỉ hè ở Việt Nam, nếu lưu học sinh có đơn đề nghị xin được cấp tiền sinh hoạt phí bằng tiền mặt theo chế độ được hưởng thì được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thủ tục cấp phát tiền sinh hoạt phí cho lưu học sinh.
Số tiền sinh hoạt phí đã cấp phát tại Việt Nam sẽ được giảm trừ tương ứng trong tổng số kinh phí tiền sinh hoạt phí của lưu học sinh theo chế độ quy định. Thông tư này có hiệu lực từ 1/2/2011.
Lê Vân