Nhiều cơ hội học tập, đào tạo cho du học sinh về nước

Chiều 23/7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập".

Chương trình có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương.

Tình trạng lây lan và tỉ lệ tử vong của đại dịch COVID-19 tại nhiều nước tăng cao. Cùng với đó, một số nước tạm thời không tiếp nhận học sinh nước ngoài… đã khiến nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn được trở về nước để học tập. 

Chú thích ảnh
Buổi tọa đàm được thực hiện tại trường quay của Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Thực hiện Thông báo kết luận số 238/TB-VPCP ngày 12/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành, để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận các học sinh không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19.

Trong công văn có đề nghị các trường xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường, bảo đảm người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.

Ngoài ra, các trường phải căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, với những trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu nêu trên thì có thể tìm các đến các chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Nhiều chương trình đào tạo để lựa chọn

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng ban Đào tạo, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cùng với công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường cũng yêu cầu các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng chương trình học chi tiết hơn, theo đó, công bố khung chương trình, từng loại hình đào tạo, chương trình liên kết nào do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng hay do trường đối tác quốc tế cấp bằng… Như vậy, các em có thể nắm được điều kiện và nộp hồ sơ.

Các trường khác như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Ngoại Thương cũng khẳng định đã ở tâm thế sẵn sàng với tình huống tiếp nhận và hỗ trợ các lưu học sinh Việt Nam tại nước ngoài không bị gián đoạn học tập. Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội có 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh cho các ngành mũi nhọn về khoa học công nghệ và 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngoại ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật. 

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương, các lưu học sinh có nhiều chương trình học phù hợp để lựa chọn, trong đó có chương trình liên kết do trường đối tác quốc tế cấp bằng hoặc do trường tại Việt Nam cấp bằng và có cả song bằng. 

Trong trường hợp, sinh viên vẫn muốn cấp bằng của trường nước ngoài đang theo học, thì trước tiên, các em phải làm thủ tục bảo lưu trong trường hợp 2 trường chưa có thỏa thuận liên kết đào tạo. Và trong quá trình ở Việt Nam, các em tiếp tục tích lũy các tín chỉ để sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát có thể quay trở lại nước sở tại và hoàn thành chương trình học. Do đó, các sinh viên phải rất chủ động để có tư vấn từ các trường đang theo học ở nước ngoài và nắm rõ vấn đề kiểm định tín chỉ học trong nước.

Với trường hợp đặt ra là học sinh trước khi đi du học đã không đỗ đầu vào của các trường đại học tại Việt Nam, thì các em đăng ký học lúc này có được chấp nhận hay không, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, các học sinh đã vào các trường đại học nước ngoài với quá trình học tập tốt thì khi quay trở lại học tại Việt Nam, các trường đại học trong nước sẽ có cơ sở xem xét tuyển trên bảng thành tích.

TTXVN/Báo Tin tức
Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động
Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động

Bạn đọc hỏi: Pháp luật hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp có quy định về việc người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) hay không? Để được hưởng chế độ này, người sử dụng lao động cần đáp ứng điều kiện gì; mức hỗ trợ là bao nhiêu?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN