Khác với mọi năm, năm nay, lễ khai hội Yên Tử diễn ra tối 18/2 (tức mùng 9 tháng Giêng âm lịch), sớm hơn 1 ngày, tại sân chùa Trình. Một trong những lý do khai hội sớm bởi Ban tổ chức (BTC) muốn tổ chức đồng thời lễ khai hội với lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng cho Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.
Hành hương về nơi đất Phật
Sáng sớm ngày 18/2, con đường dẫn vào khu danh thắng Yên Tử khá thông thoáng. Theo BTC, dù là ngày khai hội nhưng hôm nay là ngày đi làm đầu tiên sau đợt nghỉ Tết Quý Tỵ, nên lượng khách không đông bằng khách đến từ ngày mùng 4 đến mùng 8 Tết vừa qua (với khoảng 30.000 lượt khách/ngày).
Du khách đang hành hương về Yên Tử. |
Tuy nhiên đến tầm trưa, trên con đường hành hương lên đỉnh chùa Đồng đã thấy khá đông người chen chân trên những bậc đá trong màn sương dày bao phủ. Chúng tôi gặp bác Huỳnh Thị Mai, 67 tuổi, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, đang cùng gia đình hành hương và chiêm bái cảnh đẹp. Bác Mai tâm sự: “Chuyến hành hương ra Bắc lần này, tôi muốn đến hai nơi là Đền Hùng, nơi thờ tổ tiên người Việt và non thiêng Yên Tử, nơi được coi là phát tích Phật giáo của Việt Nam với Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và cũng là đệ nhất sư tổ”. Đó cũng là tâm nguyện của nhiều du khách hành hương về Yên Tử.
Để lại ấn tượng với nhiều du khách chính là công tác vệ sinh môi trường nơi đây được quan tâm đầu tư. Đường từ sân hành lễ đến chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Đồng... đều sạch sẽ, phong quang. Số lượng công nhân môi trường cho từng điểm trong khu di tích được tăng cường. Các hàng quán, khu ăn uống được quy hoạch riêng, sạch sẽ, nên du khách nếu có ý định vứt rác xuống đường cũng cảm thấy... ngượng tay. Trên dọc đường hành hương, khẩu hiệu giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được BTC đề cao. Tuy nhiên, theo chị Hường, một công nhân vệ sinh tại chùa Hoa Yên cho biết: “Dù có nhắc nhở nhưng nhiều thanh niên ý thức rất kém, họ vẫn tiện tay vứt vỏ đồ uống, thức ăn ra ven đường”.
Song song với đó, công tác an ninh trật tự, y tế cũng được duy trì, đặc biệt là việc lắp camera theo dõi, nhắc nhở qua hệ thống loa thường xuyên. Với cách làm này, Ban tổ chức mong muốn Yên Tử trở thành địa chỉ du lịch độc đáo, an toàn trong mùa lễ hội, thu hút và giữ chân khách ở lại Yên Tử lâu hơn.
Theo BTC, trước đó dù chưa khai hội nhưng từ mùng 1 đến mùng 8 Tết, đã có gần 180.000 lượt khách đến Yên Tử, tăng 10% so với năm trước. Riêng ngày mùng 9, ước tính hơn 10.000 lượt khách, tăng ni, phật tử về với lễ khai hội Yên Tử. Lễ hội kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Dự kiến năm nay, Yên Tử sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách.
Theo thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh: Điều đáng mừng nhất là đã đúc xong tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông liền khối, nặng gần 150 tấn. Dự kiến trong năm nay sẽ khánh thành. Khi tượng khánh thành, đây sẽ là điểm nhấn của Khu di tích danh thắng Yên Tử.
Tạo sản phẩm du lịch đặc trưng
“Yên Tử là điểm đến mà du khách Việt lựa chọn trong hành trình tour. Trong những ngày sau Tết, thậm chí nhiều đoàn khách yêu cầu có tour riêng đi Yên Tử”, anh Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel chia sẻ “tuy nhiên, với nhiều du khách miền Nam đến Yên Tử, họ rất muốn có sản phẩm lưu niệm đặc trưng để đem về giới thiệu nhưng khó tìm thấy”.
Đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Tối 18/2, cùng với việc khai hội Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh này lên 3 di tích. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng đông đảo phật tử, du khách đã về dự và kính lễ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Bằng chứng nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử cho tỉnh Quảng Ninh. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã làm lễ dâng hương và khai ấn Hội xuân Yên Tử năm 2013. Mạnh Khánh |
Quả thật, gần hai tiếng đồng hồ dạo hết hàng này đến quán khác tại khu chợ xuân với mong muốn tìm mua một sản vật hoặc món đồ đặc trưng của đất Yên Tử, chúng tôi nhận được khá nhiều tư vấn khác nhau của người bán hàng. Người cho rằng nên mua măng trúc, người nói nên mua bánh củ mài hoặc chiếc chuông gió có biểu tượng chùa Đồng. Thế nhưng khi xem kỹ nhãn mác thì sản phẩm măng trúc có xuất xứ từ vùng Lạng Sơn, các loại bánh phần lớn được sản xuất ở vùng Hương Sơn (Hà Nội)... Chiếc chuông gió mang biểu tượng chùa Đồng, nghe người bán hàng giới thiệu cũng ý nghĩa nhưng xem kỹ thì thấy chất liệu và cách làm sản phẩm này rất “hàng mã”, ngay cả người bán cũng không biết chúng có xuất xứ từ đâu. Thậm chí có người bán hàng bảo có lẽ là hàng Trung Quốc.
Hiện danh thắng Yên Tử mới chỉ phục vụ khách hành hương thuần túy và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến ăn uống, đi lại bằng cáp treo. Trong khi nhu cầu của du khách rất lớn về sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng, sản vật độc đáo thì chưa có. Tại hội thảo liên kết du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng cuối năm 2012, lãnh đạo Sở VH,TT&DL Quảng Ninh cho biết: Một trong những mối quan tâm hàng đầu của tỉnh trong phát triển du lịch chính là tạo dựng được sản phẩm đặc trưng của từng vùng, trong đó có khu vực di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Nhiều ý kiến các chuyên gia du lịch cho rằng: Yên Tử cần sớm có những mẫu sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng để tăng doanh thu từ việc phát triển du lịch, tạo nghề sản xuất hàng thủ công, hàng lưu niệm cho dân trong vùng. Và đây cũng là cách quảng bá hiệu quả cho hình ảnh danh thắng Yên Tử qua các mặt hàng lưu niệm đặc trưng. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, chính sách ưu đãi của các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể cân nhắc bỏ vốn đầu tư.
Bài và ảnh: Xuân Cường