Tưng bừng hội đầu xuân

Những ngày đầu xuân Quý Tỵ 2013 diễn ra nhiều lễ hội trên các địa phương trong cả nước, thu hút đông đảo du khách tham gia.


Màn đi cày tại Lễ hội truyền thống Tịch điền Đọi Sơn 2013. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

 

Thủ đô Hà Nội là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn nhất trong những ngày đầu năm. Chỉ riêng trong ngày mùng 6 Tết Quý Tỵ (tức ngày 15/2/2013), tại Hà Nội đã diễn ra 4 lễ hội lớn, gồm: Lễ hội kỷ niệm 1973 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Gióng đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức) và lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh).


Lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong năm chính thức khai hội sáng mùng 6 tháng Giêng tại khu di tích danh thắng Hương Sơn. Với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”. Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, mở đầu cho sự kiện Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013. Đặc biệt, trong lễ khai hội chùa Hương năm nay, khoảng 50.000 con cá cảnh đã được phóng sinh xuống dòng suối Yến. Đây cũng là một trong những phong tục đẹp với ý nghĩa bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ những sinh linh sống quanh ta.


Tại Phú Thọ, ngày 16/2 (tức mùng 7 Tết Quý Tỵ), tại xã Hiền Lương, UBND huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã tổ chức khai hội Đền Mẫu Âu Cơ. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa mở màn cho chương trình "Du lịch về cội nguồn lễ hội" năm 2013 của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Trước đó, ngày mùng 6 tháng giêng, huyện Hạ Hòa đã tổ chức khai mạc lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, bắn nỏ, đẩy gậy...


Dàn trống hội Đọi Tam. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

 

Sáng mùng 7 Tết Quý Tỵ, tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, lễ xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa - đã được UNND huyện Duy Tiên tổ chức long trọng. Sau lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu hành lễ, lễ hội Tịch điền được tiến hành theo trình tự với các màn múa rồng, đọc văn trình, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội và lễ dâng hương. Một cụ cao niên của xã Đọi Sơn được chọn khoác áo Long bào, đeo mặt nạ, nhập linh khí quân vương và khoan thai đi những đường cày đầu tiên, tiếp đó, địa diện lãnh đạo các bộ, ngành đã tham gia cày những đường cày thẳng tắp. Lễ hội Tịch điền là một trong những lễ hội truyền thống đặc biệt có ý nghĩa với nhà nông, chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, khơi dậy và giáo dục tinh thần yêu lao động, hăng say tham gia sản xuất trên mảnh đất thân yêu của mình.


Ngày mùng 6 Tết Quý Tỵ tại đình làng An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra lễ hội cầu ngư. Cùng với các nghi lễ cầu ngư, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, biển lặng… và có một năm mới an lành với những vụ mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc. Việc cúng tế thần linh được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm tại bờ biển do các vị bô lão có uy tín của làng tiến hành.


Tại Quảng Ngãi, ngày mùng 5, 6 Tết Quý Tỵ trên dòng sông Trà Khúc, đoạn chảy qua xã Tịnh Long (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), xã Tịnh Long tưng bừng tổ chức Hội đua thuyền truyền thống đầu năm. Tiếng trống giục liên hồi, cùng với tiếng reo, cổ vũ của hàng ngàn người dân bên bờ sông, đã tạo nên một không khí tưng bừng náo nức trong hai ngày hội trên dòng sông Trà Khúc. Hội đua thuyền là lễ hội truyền thống là hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ruộng vườn tốt tươi. Đây cũng là dịp để những người lao động được nghỉ ngơi thư giãn, chuẩn bị cho mùa làm ăn mới.


Tại Kon Tum, ngày mùng 6 Tết Quý Tỵ, trên dòng sông Đăk Bla (đoạn chảy qua thành phố Kon Tum), hàng nghìn người dân địa phương cùng rất đông du khách trong và ngoài nước đã đến xem và cổ vũ Giải đua thuyền độc mộc truyền thống. 82 vận động viên thi đấu trên 41 thuyền độc mộc đến từ 9 xã, phường ven sông Đăk Bla, mỗi chiếc thuyền độc mộc do 2 vận động viên điểu khiển, vượt chặng đường 3.000 mét. Đua thuyền độc mộc là môn thể thao độc đáo được tổ chức đầu xuân hằng năm trên dòng Đăk Bla.


Cũng là lễ hội đua thuyền truyền thống, sáng mùng 7 Tết Quý Tỵ, tại tỉnh Phú Yên đã diễn ra hai cuộc đua thuyền truyền thống Xuân Quý Tỵ gồm đua thuyền trên đầm Ô Loan (huyện Tuy An) và đua thuyền trên sông Chùa (thành phố Tuy Hòa). Cùng ngày, tại Di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan, ngày hội đua thuyền truyền thống với 150 vận động viên của tất cả 12 xã, thị trấn huyện Tuy An tham gia tranh tài các nội dung đua: sõng lưới nữ, thuyền chài nam, thuyền rồng nam và nữ.


Tại Tây Ninh, Hội xuân núi Bà, một trong những lễ hội lớn của Tây Ninh đã được khai mạc tối mồng 4 Tết Quý Tỵ tại Khu di tích lịch sử, văn hóa núi Bà Đen (Tây Ninh). Hội xuân năm nay, ngoài các hoạt động du lịch tâm linh phục vụ du khách đến hành hương, phúng viếng chùa Bà, Ban tổ chức Hội Xuân núi Bà còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ca nhạc, chiếu phim, các trò chơi dân gian… để phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn, vui chơi trong suốt mùa lễ hội. Hội xuân Núi Bà (Tây Ninh) diễn ra từ mùng 4 Tết đến 16 tháng Giêng âm lịch, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương các nơi về tham quan du lịch, phúng viếng chùa Bà.

 

Phương Lan-TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN