Diễn ra trong 2 ngày 29-30/7, tại XQ Đà Lạt sử quán (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Lễ "Giỗ tổ nghề thêu 2012" và lễ kỷ niệm 20 năm XQ Việt Nam ra đời, của XQ Việt Nam sẽ diễn ra trang trọng với 3 chủ đề chính: "Đạo Hiếu", "Dạ khúc màu lam và vàng" và "Học viện Hoàng Triều".
Nghề thêu vốn là một nghề khá phổ biến ở Việt Nam. Những tác phẩm thêu của Việt Nam đã vươn tầm và ghi dấu trên thế giới. Tuy nhiên, để nâng nghệ thuật thêu lên thành một nghệ thuật tinh xảo, và nâng các thợ thêu lên thành những nghệ nhân... thì có lẽ phải ghi nhận sự đóng góp của XQ Việt Nam. Những tác phẩm tranh thêu của XQ, với những cải tiến khá táo bạo như tranh thêu 2 mặt, tranh thêu nổi, tranh thêu kính... đã góp phần vinh danh nghề thêu của Việt Nam.
Chính bởi vậy, các hoạt động giỗ tổ nghề thêu của XQ luôn được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân. Năm nay, chủ đề "Đạo Hiếu" sẽ nhằm "tôn vinh chân giá trị của khái niệm "Đạo Hiếu" trong con người Việt Nam, và đặc biệt trong những nghệ nhân thêu XQ". Chủ đề này sẽ gồm các hoạt động như: Dâng "Quả phúc tổ tiên" về đền các vị tổ nghề thêu; nghi lễ thay áo sống- áo chết; nghi lễ tôn vinh người thợ thêu lớn tuổi tại khu phố "Tóc bạc"; nghi thức "Nhập định Đạo Hiếu" dưới cổng mặt trời.
Chủ đề "Dạ khúc màu lam và vàng" sẽ là một đêm hội với các nghi lễ tôn vinh và trao giải cho khách tham dự; nghi lễ "Dâng áo choàng thêu" cho Nữ thần bảo hộ phụ nữ nghề thêu - Hoàng hậu Nam Phương; chương trình "Ai gọi tên anh trên cánh đồng hoa"...
Và cuối cùng là chủ đề "Học viện Hoàng Triều", như một chương trình "Giã bạn" trong Lễ giỗ tổ. "Học viện Hoàng Triều" chính là nơi đào tạo những người thợ thêu. Ông Võ Văn Quân - Tổng giám đốc Công ty XQ Việt Nam cho biết, khi bước ra khỏi học viện, thì những người thợ thêu đã được đào tạo từ những người phụ nữ bình thường trở thành những nghệ nhân sang trọng, cao quý, chính bởi vậy học viện mới có tên gọi là "Học viện Hoàng Triều".
P.V