“Tiếng tơ” trong không gian đương đại
Tiếp nối hành trình bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chuỗi hoạt động văn hóa “Tiếng tơ” sẽ được khai mạc vào 19h30 ngày 22/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).
Tơ lụa, văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của người Việt sẽ tự kể câu chuyện của mình thông qua một loạt hoạt động. Từ ngày 22/11 đến 15/12, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - người duy nhất có thể “điều khiển” con tằm thành “thợ dệt” và cũng là người duy nhất thành công trong việc “bắt” sen nhả tơ, sẽ giới thiệu về loại tơ đặc biệt này tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ.
Lụa tơ tằm đi vào đời sống thông qua các hoạt động biểu diễn thời trang "Tiếng tơ" của Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy - Thương hiệu Trịnh Fashion, Nhà thiết kế La Hằng - Thương hiệu Áo dài La Hằng, Nhà thiết kế Thục Anh - Thương hiệu TAF tối 22/11. Buổi tọa đàm "Câu chuyện Tiếng tơ" với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và các nhà thiết kế vào lúc 9 giờ ngày 30/11 tới đây sẽ góp tiếng nói khẳng định giá trị của lụa truyền thống trong đời sống hiện nay.
Tiếp nối không gian văn hóa Tiếng tơ sẽ là đêm diễn âm nhạc nghệ thuật "Chuyện nhạc Tiếng tơ" của nhóm Đông Kinh cổ nhạc vào lúc 19h30 ngày 23/11.
Các hoạt động khác trong chương trình còn có triển lãm ảnh với chủ đề "Di sản trong lòng Hà Nội" của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lê Bích (tại Đình Kim Ngân, Hàng Bạc); trưng bày giới thiệu 30 tác phẩm Thi - Thư - Họa miêu tả vẻ đẹp hoa Sen trên lụa của họa sư Thích Chỉnh Tuệ (tại Đền Quan Đế, Hàng Buồm).
Nghệ nhân Văn hóa Nghệ thuật ẩm thực trà Nguyễn Cao Sơn tổ chức hoạt động với chủ đề "Huyền thoại Trà di sản - Giàng Pằng Sùng Đô", giới thiệu quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng (tỉnh Yên Bái) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam tại ngôi Nhà di sản (87 Mã Mây, Hàng Buồm).
Đề cao không gian trải nghiệm
Khẳng định các hoạt động văn hóa trong “Tiếng tơ” sẽ là tiếng nói mạnh mẽ góp phần gìn giữ di sản, bà Trần Thị Thúy Lan - Phó trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội khẳng định các chương trình văn hóa gắn với Ngày Di sản văn hóa Việt Nam sẽ tăng cường không gian trải nghiệm cho khách tham quan trong và ngoài nước.
“Thông qua các hoạt động để du khách có thể tiếp cận, giao lưu với các nghệ sĩ, các nghệ nhân ưu tú, chúng tôi không chỉ muốn giới thiệu cho du khách mà còn muốn nâng cao nhận thức để người dân cùng chung tay bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam” - bà Trần Thị Thúy Lan chia sẻ.
Tại hoạt động tâm điểm của chuỗi sự kiện, du khách sẽ được tìm hiểu mô hình quấn sợi tơ, các công đoạn, quy trình ươm, dệt lụa tơ tằm và tơ Sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận; qua đó tôn vinh nghệ nhân và giới thiệu quảng bá các kỹ thuật mới của nghề truyền thống. Đặc biệt có cơ hội nhìn ngắm khung cửi dệt tơ tằm cổ của nghệ nhân.
Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy cũng cho biết, hoạt động trình diễn thời trang “Tiếng tơ” sẽ được tổ chức ngay tại không gian đường phố Đào Duy Từ. Đây là cơ hội để lụa với các thiết kế từ truyền thống đến hiện đại tiến gần hơn với không gian văn hóa cộng đồng.
Cũng với mong muốn tạo ra nhiều không gian trải nghiệm cho du khách, nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn cũng tổ chức buổi trao đổi về quần thể trà di sản Giàng Pằng Sùng Đô. Theo nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, để đưa văn hóa trà Việt ra với thế giới, ông cũng đã tạo ra nhiều góc trải nghiệm trà và các loại gia vị như quế, hồi, cam, sầu riêng...