Thiếu trầm trọng thợ lành nghề

Bảo tồn di tích đòi hỏi đội ngũ thợ thực thi phải có tay nghề cao. Mặc dù vậy nguồn lực này đang thiếu hụt trầm trọng. Những thợ giỏi, nghệ nhân của các nghề truyền thống liên quan đến bảo tồn di tích như thợ chạm khắc gỗ, thợ ngõa… đang mai một dần.

Thực tế tu bổ di tích là một nghề khó, rất kén người. Nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn trọng, tỉ mỉ, sự rèn luyện, tích lũy lâu dài cả về kiến thức lẫn kỹ năng của người làm nghề. Những kiến thức liên ngành, đặc biệt những ngành khoa học tự nhiên: Vật liệu- kết cấu- môi trường cần đặt trên một phông nền vững chắc về lịch sử- văn hóa- nhân học. Bên cạnh đó đòi hỏi cao kỹ năng thao tác của một nghệ nhân, một nghệ sĩ mỹ thuật.

Cổng đình Kim Liên (Hà Nội) trước khi trùng tu.

Theo Th.s. KTS Vũ Thị Hà Ngân: “Lực lượng thợ nghề truyền thống ở các làng nghề tham gia vào công tác bảo tồn di tích còn rất ít và mang tính tự phát. Sở dĩ do vậy là việc đào tạo người theo nghề còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Đào tạo tự phát

Kết quả điều tra khảo sát thực trạng đội ngũ thợ bậc cao mộc- ngõa ở một số làng nghề truyền thống được Viện Bảo tồn di tích thực hiện năm 2006 thì 58% số người được hỏi cho biết mình học nghề trực tiếp từ gia đình. 25% số thợ học nghề từ dòng họ, làng và chú bác truyền nghề. 15% số thợ học từ thầy nhất định. Chỉ có 5/462 thợ chiếm 1,08% học nghề từ nơi khác. Như vậy, số người học nghề từ gia đình và dòng họ chiếm hơn 73%.

Cổng đình Kim Liên (Hà Nội) sau khi được trùng tu.

Hiện nay việc đào tạo thợ làm nghề truyền thống chủ yếu bằng các hình thức tự phát như cha truyền con nối hoặc người thợ tự học hỏi, một số ít được đào tạo qua hệ thống các cơ sở đào tạo được cấp phép nhưng hình thức đào tạo chuyên nghiệp này còn chưa thật sự phổ biến.

Phải chủ động dạy nghề

Theo bà Ngân, để đào tạo nghề cho lao động làm nghề nhằm cung cấp lực lượng thợ tu bổ có chất lượng cần triển khai ở cả 3 cấp độ: Thứ nhất, đào tạo thợ phổ thông thành thợ biết nghề; thứ hai bổ sung kiến thức, kỹ năng cho những người đã biết nghề để trở thành thợ giỏi; thứ ba, bổ túc kiến thức khoa học, công nghệ mới cho các nghệ nhân để họ luôn cập nhật được các yếu tố mới.

Dạy nghề là một yếu tố quan trọng nhưng việc thực hành trực tiếp trên các công trình cũng là một hình thức đào tạo thợ vô cùng hiệu quả.

Dự án tu bổ đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội) - dự án điển hình về bảo tồn di sản kiến trúc ở châu Á đã được nhận giải thưởng quốc tế là một ví dụ như vậy. Một lớp tập huấn ngay tại công trường thi công tu bổ di tích đã rất thành công. Cùng với việc qui chuẩn hóa các thao tác trên công trình, đội ngũ thợ thi công đã được “cầm tay chỉ việc” dưới sự hướng dẫn và giám sát của đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.

Với số lượng “tài sản” không thể tái sinh, chúng ta cần các biện pháp để nâng cao hơn nữa tay nghề cũng như chuyên môn của những người thợ trực tiếp chạm tay vào các công trình. Chỉ khi đó, chúng ta mới bảo tồn được những giá trị tinh thần- văn hóa của các di tích.

Thu Trang - Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN