Nhiều thông tin thiếu chính xác về vi phạm tại chùa Trăm Gian

Một số thông tin thiếu chính xác trong  việc tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian như: Phá vỡ chùa cũ xây chùa mới, nhân dân đi phá chùa, hạng mục kiến trúc bị phá dỡ có tuổi đời gần 1000 năm... đã gây hiểu nhầm và bức xúc trong nhân dân.

Ngày 6/9, tại di tích chùa Trăm Gian, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan hữu quan và UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương tổ chức cuộc họp đánh giá lại mức độ vi phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian.

Mái ngói rêu phong cổ kính hàng trăm năm lẫn lộn giữa màu gạch, ngói, sơn mới nguyên tại chùa Trăm Gian. Ảnh: Vietnamnet


Tại cuộc họp, cùng với việc các bên liên quan giải trình lý do, quá trình thực hiện dẫn tới vi phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích, các cơ quan chức năng cũng đề cập nhiều tới việc thông tin thiếu chính xác của một số phương tiện thông tin đại chúng gây hiểu nhầm và bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Thông tin này đã gây phản cảm lớn trong xã hội; tác động không nhỏ tới các cơ quan từ thành phố tới Trung ương, thậm chí tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ cũng nhắc tới. Nhưng thực tế vụ việc không đúng như một số báo đã nêu”.

Còn theo ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ: “Một số báo chí thông tin không đầy đủ khiến mọi người hiểu nhầm phá bỏ cả chùa cũ xây chùa mới. Nhiều người dân Chương Mỹ đang làm ăn sinh sống ở các nơi trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài gọi về bày tỏ tiếc nuối, trách móc chúng tôi không giữ được chùa, một di tích đẹp và cổ kính”.

Thực tế 3 hạng mục của chùa Trăm Gian bị vi phạm, dỡ đi xây mới là thềm đá trước sân Từ đường, gác Khánh và nhà Tổ. Trong khi chùa Trăm Gian có rất nhiều hạng mục công trình và hạng mục chính tạo nên hồn cốt của ngôi chùa là Tòa Tam Bảo vẫn được giữ nguyên. Còn khi nhà chùa hạ giải gác Khánh và nhà Tổ đã kêu gọi nhân dân đến công đức công sức, vì vậy thông tin nhân dân đi phá dỡ chùa là chưa thật chính xác.

Mặt khác 3 hạng mục này được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá chưa phải là hạng mục cổ, vì gác Khánh có niên đạt từ năm 1926, nhà Tổ và thềm đá xây dựng sau đó. Trong khi theo quy định cổ vật phải có tuổi đời từ 100 năm trở lên và như vậy các công trình bị xâm phạm không thể có tuổi đời gần 1000 năm.

Đại diện một đơn vị quản lý di tích cho biết: “Tôi làm quản lý di tích 20 năm nay nhưng chưa thấy di tích nào có tuổi đời 1000 năm, nếu di tích tồn tại được đến ngày nay sẽ phải trùng tu nhiều lần”.

Hai hạng mục được hạ giải, xây mới do bị xuống cấp trầm trọng, phải chống đỡ từ nhiều năm qua và sư thầy chịu nhiều sức ép từ phía Phật tử, nhân dân trong vùng đề nghị tu sửa. Nhiều người đánh giá các hạng mục được xây mới là rất công phu, ghi nhận tâm huyết cao của sư thầy.

Nhưng dù sao, việc tu bổ, tôn tạo không tuân theo quy trình, kiến trúc bị sai lệch so với ban đầu là vi phạm nghiêm trọng theo các quy định về bảo tồn, tôn tạo di tích.


Đinh Thị Thuận
Kết luận về sai phạm tại chùa Trăm Gian trước 15/9
Kết luận về sai phạm tại chùa Trăm Gian trước 15/9

Trao đổi với báo chí ngày 6/9, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định sẽ có kết luận về sai phạm tại chùa Trăm Gian trước 15/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN