Màn trình diễn pháo hoa của đội Thuỵ Sĩ. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Theo dự kiến, đoàn Anh sẽ trình diễn đầu tiên, sau đó là đoàn Australia và kết thúc đêm Mộc là màn trình diễn của đoàn Italy. Thời lượng trình diễn dự kiến của mỗi đội sẽ ngắn hơn thời gian ở vòng loại. Do đó đây cũng là áp lực lớn cho các đội trong việc kể chuyện bằng pháo hoa và âm nhạc sao cho ấn tượng nhất, bằng những kỹ thuật hiện đại và điêu luyện nhất.
Các tiết mục nghệ thuật trong đêm chung kết được Tổng đạo diễn Lê Quý Dương và Ban Tổ chức cân nhắc kỹ lưỡng. Xoay quanh chủ đề Mộc, các phần trình diễn nghệ thuật sẽ khắc họa đậm nét sức sống mãnh liệt của cỏ, cây, hoa, lá. Đó là hình ảnh cây lúa nặng bông trong ca khúc “Hát về cây lúa hôm nay” do Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương cùng các diễn viên thành phố Đà Nẵng thể hiện.
Đó là sự ấm no mà ca khúc “Hạt gạo làng ta” do nhạc sĩ Lê Minh Sơn thể hiện mang lại. Bật lên sức sống căng tràn giữa tiết trời đông giá là hình ảnh đỗ quyên đỏ trong ca khúc “Tuyết trắng và đỗ quyên đỏ” do nhóm nhạc Rock Ngũ Cung thể hiện. Chủ đề Mộc còn được khắc họa rõ nét nhất trong ca khúc “Hát cho hành tinh xanh” do nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác, với sự thể hiện của diva Mỹ Linh cùng các diễn viên thành phố Đà Nẵng…
Màn trình diễn pháo hoa của đội Anh. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Nhân tố mới làm nên sự khác biệt cho đêm Mộc là nghệ sỹ violon nổi tiếng người Hàn Quốc J.Mi Ko. Tác phẩm mà cô dự định mang đến đêm chung kết pháo hoa Đà Nẵng sẽ là màn độc tấu violin bài Summer Breeze, bài hát được viết và thu âm bởi nhóm Seals and Crofts và sau đó được cover lại bởi nhiều nhóm nhạc như The Isley Brothers, Type O Negative, Three Tenors…
Đến với đêm Mộc, khán giả sẽ có cảm giác như mình được thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ăn, gia vị khác nhau. Ở đó có sự rộn ràng, sôi động của Rock, Pop và cũng không thiếu phần lắng đọng, da diết của những giai điệu trữ tình, những bản hòa tấu của guitar, violin đong đầy xúc cảm… Đáng nói hơn, chất nghệ thuật còn được thể hiện ở sự “làm mới” các ca khúc đã quá quen thuộc với khán giả.