Đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng năm 2012, lễ Khai ấn đền Trần tại Nam Định đã diễn ra theo nghi thức truyền thống. Hàng vạn du khách từ khắp nơi đổ về lễ hội. Năm nay, với việc chuyển thời gian phát ấn sang 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng, khu vực đền Trần đã không còn phải chứng kiến cảnh chen lấn để mua ấn, cũng như buôn, bán ấn. Tuy nhiên, vẫn còn những hình ảnh không đẹp xuất hiện trong lễ Khai ấn năm nay...
Đêm khai ấn bình yên
Đúng 22 giờ ngày 14 tháng Giêng, kiệu ấn được các cụ cao niên, đại diện các tầng lớp nhân dân phường Lộc Vượng (TP Nam Định) rước từ đền Cố Trạch thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần. Đúng 23 giờ, nghi lễ Khai ấn được thực hiện gọn nhẹ nhưng hết sức trang nghiêm tại nội cung đền Thiên Trường theo đúng nghi thức truyền thống. Nhà đền chỉ đóng 11 lá ấn để dâng các đình, đền, chùa, phủ xung quanh phường Lộc Vượng và lưu lại hòm ấn nhà đền.
Em bé này khóc đến khản cả tiếng, nhưng vẫn phải tiếp tục ngồi đó để ăn xin... |
Lễ Khai ấn đền Trần 2012 vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng đã diễn ra trong sự trật tự và trang nghiêm. Việc BTC quyết định thay đổi thời gian phát ấn vào sáng ngày 15 đã phát huy tác dụng tích cực. Theo nhận xét của nhiều người dân xung quanh đền, số lượng người đến Lễ Khai ấn năm nay giảm rất nhiều so với những năm trước, giao thông không bị tắc nghẽn, công tác giữ gìn trật tự của lực lượng an ninh cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn có nhiều nguời chưa biết việc BTC lùi giờ phát ấn đến sáng hôm sau, nên vẫn đến chờ lấy ấn. Anh Lê Tiến Định, từ Ninh Bình, lặn lội mưa rét sang đền Trần và đứng chờ đến giờ phát ấn, anh Định cho biết, mọi năm cứ đến đêm 14 tháng Giêng, anh lại sang Nam Định để xin lộc ấn mang về nhà để lấy may. Năm nay cũng vậy, anh Định sang Nam Định từ chiều và chờ đến giờ phát ấn, anh không biết là việc phát ấn đã được lùi sang sáng ngày 15. “Thế này thì tôi phải ngủ lại nhà người quen, chờ đến sáng mai vào xin lộc ấn mới về được” – anh Định cho biết.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng, theo kế hoạch, nhà đền phát lộc ấn cho du khách thập phương. Trong khoảng 30 phút đầu, người dân về khá đông, cũng có một số hiện tượng chen lấn nhưng cũng không đáng kể, đến khoảng 8 giờ sáng, số lượng người giảm hẳn, người dân vào xin ấn khá dễ dàng. Đặc biệt là đội quân “buôn bán” ấn hết “đất” làm ăn, nên tuyệt nhiên không thấy xuất hiện. Ông Trần Văn Việt, đến từ thành phố Thanh Hóa cho biết: “Những năm trước tôi cũng đi lễ hội Khai ấn đền Trần, nhưng đến khi phát ấn thì không chen được, có năm phải mua lại lá ấn ở bên ngoài với giá cao. Năm nay đi xin ấn đền Trần thấy rất nhẹ nhàng, không phải chen lấn nên tôi thấy rất thoải mái. Tôi nghĩ BTC đổi giờ phát ấn như vậy là rất tốt...”.
Cờ bạc, ăn xin vẫn lộng hành
Lễ khai ấn và phát ấn diễn ra trật tự, tuy nhiên vẫn còn những chuyện bên lề lễ hội khiến du khách chưa hài lòng - Đó là tình trạng ăn mày, ăn xin vẫn tràn lan. Không chỉ có người lớn, người tàn tật lê lết ăn xin dọc đường, mà rất nhiều trẻ em bị kẻ xấu đem ra lợi dụng lòng thương hại của du khách. Giữa trời mưa rét, rất nhiều em bé chỉ khoảng 2 - 3 tuổi, lớn hơn thì khoảng 6 - 7 tuổi ngồi hoặc nằm ngủ ngay trên đường, bên cạnh là một cái rổ, hoặc một cái thùng xin tiền. Rất nhiều du khách đi qua nhìn thương xót mà cho tiền. Nhưng, cách đó chỉ khoảng 3 - 5 mét, là những người đàn bà đang ngồi chờ. Mỗi khi thấy rổ tiền đầy lên, là lại chạy ra gom, mang vào trong kiểm đếm và cất vào túi; còn các cháu nhỏ, cho dù khóc hết nước mắt, vẫn phải tiếp tục ngồi đó để xin tiền... Điều đáng nói là, tình trạng này xuất hiện tràn lan, nhưng không hề thấy lực lượng chức năng hay BTC lễ hội duy trì trật tự.
Không chỉ ăn mày, ăn xin, mà những trò cờ bạc như tôm cua cá cũng thoải mái hoạt động. Dọc đoạn đường Trần Thừa chạy qua trước di tích đền Trần - chùa Tháp, những “chiếu bạc” theo kiểu tôm, cua, cá xuất hiện nhan nhản, lên tới vài chục điểm, có đoạn “chiếu” này cách “chiếu” kia chỉ 2 - 3 mét...
Các dịch vụ quanh đền Trần cũng tranh thủ “chặt chém” du khách. Dọc tuyến đường 10 cách đền Trần 3 km, dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy tự phát mọc lên rất nhiều. Giá trông giữ xe tùy vào thời gian, tùy từng loại xe và tùy địa điểm giữ xe gần hay xa khu vực đền Trần. Qua tham khảo, giá trông xe máy từ 20.000 đồng – 30.000 đồng, xe ô tô loại 4 chỗ từ 100.000 - 150.000 đồng, xe ô tô 6 - 7 chỗ từ 200.000 - 250.000 đồng, xe 24 chỗ giá từ 300.000 - 400.000 đồng. Các dịch vụ ăn uống, hoa quả, bánh trái cũng “đội giá” lên so với ngày thường khoảng 30%... Đó là những hình ảnh rất không đẹp tại lễ hội đền Trần năm nay. Mong rằng, Lễ Khai ấn đền Trần năm sau, du khách sẽ không còn phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp mắt này nữa.
Bài và ảnh: Phương Lan