Khát vọng Xuân từ những 'xoáy âm dương' phá cách

Những bức tranh lợn của họa sỹ trẻ Phạm Tuấn Minh đang gây ấn tượng mạnh trong giới mỹ thuật Việt Nam. Những chú lợn trong tranh dân gian đã được họa sĩ thổi luồng sinh khí hiện đại, mang dáng vẻ đặc biệt.

Trong “túi đồ nghề” của họa sỹ trẻ Phạm Tuấn Minh thường xuyên có những bức ký họa và tập tranh về các chú lợn. “Chẳng cứ phải đợi đến năm Đinh Hợi đâu, những chú lợn trong tranh của tớ đã được thai nghén từ lâu rồi. Mình xuất thân đặc sệt nông thôn, nông dân mà” – anh vồn vã bắt đầu như thế.

Chú thích ảnh
Những bức hoạ luôn đi cùng họa sỹ trẻ Phạm Tuấn Minh.

Họa sỹ Phạm Tuấn Minh là học trò của nữ họa sỹ Hoàng Kim Tiến. Anh tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương năm 2001. Năm 2009, anh tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội khoa Sư phạm Mỹ thuật.

Phạm Tuấn Minh từng có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm, anh từng được nhận Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam về biển đảo quê hương, công nông nghiệp, an toàn giao thông.

Xuất thân trong một gia đình nông dân ở huyện ngoại thành Quốc Oai – Hà Nội, ngay từ thời thơ ấu, họa sỹ Tuấn Minh đã gắn bó và quá đỗi quen thuộc với khung cảnh "lợn gà cám bã” của cuộc sống thôn quê. Cảnh đàn lợn mẹ con quây quần bên nhau ấm áp tình mẫu tử hay  hình dáng lợn mẹ đẫy đã, núc ních với cái lưng cong võng hẳn xuống, nổi bật với khoang đen trắng… cứ thế ăn sâu vào tiềm thức của anh, trở thành là nguồn chất liệu dồi dào, chỉ cần có cảm xúc và cảm hứng sáng tác là tuôn trào bất tận.

 

Chú thích ảnh
Du xuân bình yên - tranh của họa sỹ trẻ Phạm Tuấn Minh

Nhiều người xem tranh đã nhận xét những bức tranh lợn của họa sỹ trẻ Phạm Tuấn Minh không chỉ kế thừa tinh hoa từ những dòng tranh dân gian mà còn mới mẻ, độc đáo bởi thổi được hồn cuộc sống hiện đại vào trong những tác phẩm.

Chẳng hạn như những “xoáy âm dương” của lợn được họa sĩ thể hiện theo bút pháp rất riêng với vòng xoáy tròn bất tận, mở ra sự vận động và phát triển vĩnh cửu, tượng trưng cho mong ước sinh sôi nảy nở mãi mãi. Điều khác biệt hơn cả là những tác phẩm tranh lợn của Minh, như nhận xét của các nhà phê bình mỹ thuật, đó là sử dụng triệt để mảng và nét, không hoàn toàn là tô màu hay “giải phẫu” hình học, gắn với sự kết hợp giữa tư duy – cảm xúc, quá khứ - hiện tại để làm cho bức tranh sinh động, tươi mới và rất có “thần thái”. Bút pháp sử dụng mảng nét kết hợp linh hoạt không lệ hình hay giải phẫu.

"Sự hợp nhất giữa mảng và nét tạo nên thần thái tràn đầy năng lượng khi nhìn vào tranh. Những khi tư duy, cảm xúc bật lên, mình lấy giấy ra, đổ những mảng màu lên giấy dó một cách ngẫu nhiên rồi tạo ra những biến tấu về nét theo mạch cảm xúc. Không cần quá trau chuốt nhưng tinh thần tổng thể của bức tranh rất hòa quyện, hoàn chỉnh và hợp” – Minh bộc bạch.

Chú thích ảnh
Thì thầm mùa xuân - tranh của họa sỹ trẻ Phạm Tuấn Minh.

Nhìn vào tranh lợn của Phạm Tuấn Minh, thấy có những bức tranh, mũi lợn được biến tấu như những bông hoa, còn mi mắt thì được thể hiện như một chiếc vương miện, bút pháp mảng màu được “chôn ẩn” xuống dưới, dòng chữ số 2019 được cách điệu ở đuôi, thậm chí còn được thêm vào đôi cánh “thiên thần”, lấy ý tưởng thần thoại Hy Lạp, như một sự nâng đỡ, bay bổng, rất khoáng đạt, độc đáo.

Lại có những bức tranh, theo cách lí giải của họa sĩ, ẩn sau sự bình yên của đàn lợn là sự sôi động của xã hội được thể hiện với những mảng màu nóng lạnh đan xen, bút pháp thay đổi liên tục với những nét vẽ thoạt nhìn nguệch ngoạc, nét to, nhỏ, dài, ngắn đan xen tưởng như mất cân đối nhưng lại thể hiện được sự chuyển động của nét, rất gợi hình và gợi cảm về sự sinh sôi, nảy nở, ấm no, sum vầy.

Chẳng hạn như bức “Mùa xuân” hiện lên hình ảnh đôi lứa lợn với sắc hoa tươi tắn điểm xuyết, vui tươi tung tẩy dưới ánh mặt trời, thể hiện sự cân bằng giữa động – tĩnh, giữa nóng – lạnh, giữa âm – dương, rất cân đối và sinh động.

Chú thích ảnh
Tình mẫu tử

Trong gần một trăm bức tranh, họa sỹ trẻ Phạm Tuấn Minh Minh cho biết, anh tâm đắc và hài lòng nhất với bức tranh “Du xuân bình yên”. Bức tranh miêu tả đàn lợn với lợn mẹ và rất nhiều lợn con, hiện lên như những thiên thần, được tô điểm thêm bằng những xoáy âm dương đậm nhạt, đang tung tăng, vui tươi nhảy múa du Xuân, phía sau ẩn hiện những mái nhà của làng quê yên ả, thanh bình, gửi gắm thông điệp chính là may mắn, ấm no, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng cho làng quê trong mùa Xuân mới.

“Cuộc sống nông thôn Việt Nam giờ đây thay đổi nhiều. Khung cảnh làng quê hiện đại hơn với nhiều nhà tầng san sát mọc lên nhưng không còn bình yên nữa, mà đã xô bồ, náo nhiệt hơn. Với bức tranh này, tôi gửi gắm mong ước về một làng quê phát triển nhưng không đánh mất đi bản sắc; no đủ, sung túc nhưng không mất đi sự bình yên, vui tươi như vốn có. Mong là như vậy lắm!” – Minh bộc bạch gửi gắm.

Chú thích ảnh
 Mẫu tử

Phạm Tuấn Minh bắt đầu sáng tác tranh từ năm 1998. Đến nay sau hơn 20 năm, anh đã định hình cho mình phong cách ấn tượng với bút pháp vẽ trực họa, đường nét, mảng màu; không thoát ly thực tại nhưng không quá trừu tượng; sắp xếp ý tưởng riêng biệt nhưng gần gũi với thực tế, không quá khó hiểu.

Anh đã từng mở triển lãm tranh cá nhân và triển lãm chung với một số nhóm họa sỹ và dự kiến sẽ tham tham gia triển lãm tranh xuân Đinh Hợi 2019 của Hội Mỹ thuật Hà Nội để cùng mọi người đón chào năm mới, đưa thành quả sáng tác cá nhân hòa chung không khí Xuân về trên đất nước.

Chú thích ảnh
Mùa xuân
Chú thích ảnh
Thần tài
Bài & ảnh: Tiến Dũng
Triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi 2019
Triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi 2019

60 bức tranh với nhiều phong cách khác nhau của 33 họa sĩ đương đại Việt Nam được giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật tại Triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi diễn ra từ ngày 15-23/1 tại Hà Nội như một lời chào đón một năm an lành, hạnh phúc, mang đến một điểm nhấn nghệ thuật cho mùa xuân Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN