Ngành văn hóa đang hết sức nỗ lực trong việc chấn chỉnh lại các hoạt động lễ hội, từng bước hạn chế, đẩy lùi những tiêu cực trong lễ hội. Song, đây là việc làm không hề đơn giản, và cũng không thể làm trong ngày một ngày hai...
Một trong những tồn tại được coi là nan giải nhất ở các lễ hội là ý thức của người dân ở nơi công cộng và vấn nạn tiền giọt dầu. Đến đền, chùa nào cũng thấy tiền lẻ rải tràn ngập các ban thờ, giắt ở mọi nơi có thể, từ tay, chân phật, tượng sư tử... rồi ném tiền xuống giếng, xuống suối, xuống hồ... Bộ VH, TT & DL đã yêu cầu các địa phương kiểm soát tình trạng này.
Tại nhiều di tích, BTC lễ hội, Ban quản lý di tích đã dùng loa phóng thanh, dán giấy trên tường nhắc nhở du khách thả tiền giọt dầu vào hòm công đức... nhưng rất nhiều người vẫn không thực hiện theo. Không chỉ nhắc nhở, BQL các di tích còn cử người đi thu gom và cất tiền giọt dầu vào hòm công đức nhưng vẫn không xuể, bởi lượng người quá đông... Ở chùa Bái Đính, du khách còn giắt tiền che cả mặt tượng Phật, trông rất phản cảm. Ở giếng Ngọc tại đền Hùng (Phú Thọ), mặc dù ban quản lý có biển cấm ném tiền, nhưng du khách vẫn đua nhau ném tiền xuống giếng... Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân gian, việc ném tiền xuống giếng, xuống hồ hay giắt tiền bừa bãi là lối cư xử không đúng mực tại không gian thiêng, chứng tỏ sự thiếu văn hóa của người đi lễ.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, sở dĩ du khách có thái độ chưa đúng như vậy, chủ yếu là do họ chưa hiểu, hoặc hiểu chưa đúng về việc đi lễ đầu năm nên mới như vậy. Nếu hiểu đúng, chắc chắn sẽ không có tình trạng như vậy.
Lấy dẫn chứng từ đền Bà Chúa Kho, nếu để ý kỹ, sẽ thấy, những người sắm mâm cao cỗ đầy đến lễ bái, vay mượn ở đây đa phần là người nơi khác đến, còn những người sinh sống lâu đời ở Bắc Ninh thì họ hiểu rất rõ về đền nên đi lễ rất đúng mực. Bà Nguyễn Thị Sinh, năm nay đã trên 70 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Bắc Ninh cho biết: “Mấy chục năm nay, năm nào tôi cũng tranh thủ đến lễ đền Bà Chúa Kho để cầu năm mới an lành. Chúng tôi chỉ đi lễ đền thôi, chứ không ai vay mượn gì cả. Mà kể cũng lạ thật, không hiểu mọi người nghĩ thế nào, chứ người dân Bắc Ninh chúng tôi, ai cũng biết Bà Chúa Kho được coi là thần coi kho, chứ có phải người cho thiên hạ vay tiền đâu mà mọi người cứ đổ xô đi vay, rồi trả bằng vàng mã, làm như thế chỉ làm giàu cho bọn buôn thần bán thánh thôi!".
Được biết, Bộ VH, TT & DL đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở VH, TT & DL các tỉnh, thành phố tiếp tục thanh tra, kiểm tra, và xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong hoạt động lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, hạn chế được các tiêu cực, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Nhưng, nếu tất cả những nỗ lực của ngành văn hóa, của chính quyền địa phương mà không nhận được sự ủng hộ của người dân, những người tham gia lễ hội thì cũng không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Quang Nhị, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Bắc Ninh, trong số những người trẩy hội, có nhiều người đến lễ hội cầu lộc cầu tài, nhưng cũng có nhiều người đến lễ hội với ý thức chưa tốt. Để lễ hội ngày một tốt đẹp hơn, mỗi người khi tham dự lễ hội cần có ý thức trách nhiệm công dân cao hơn, ủng hộ BTC lễ hội. Và nếu mỗi người đến lễ hội với tinh thần chấp hành quy định của BTC thì chắc chắn lễ hội sẽ có những chuyển biến tích cực. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, lãnh đạo các địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đúng thẩm quyền của mình, thường xuyên rút kinh nghiệm, làm rõ và phát huy những mặt được, rút kinh nghiệm những mặt chưa tốt... Có như vậy, lễ hội sẽ có chuyển biến tích cực, ngày một tốt đẹp hơn trong mắt du khách thập phương.