Mùa lễ hội 2012: Đã chuyển biến, song vẫn còn nhiều sạn...

Đã qua tháng Giêng, mùa lễ hội năm 2012 đã đi được 1/3 chặng đường với nhiều chuyển biến tích cực hơn so với mùa lễ hội 2011. Nhiều lễ hội lớn như Hội chùa Hương, hội Lim, hội Đền Trần, hội Yên Tử… đã duy trì được an ninh, trật tự, tạo được hình ảnh đẹp trong lòng du khách.

Đã có chuyển biến…

Theo đánh giá của Bộ VH, TT & DL, công tác tổ chức lễ hội năm 2012 được triển khai ngày một tốt hơn, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của người đi lễ. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, địa phương các cấp, Ban Quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã được nâng cao; công tác quản lý nhà nước đối với lễ hội được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực.

Mặc dù đã có biển cấm, nhưng du khách vẫn vô tư ném tiền xuống giếng Ngọc (Đền Hùng - Phú Thọ).


Các lễ hội lớn như Yên Tử, Đền Trần, Chùa Hương, Đền Hùng, Bà Chúa xứ, Núi Sam… được tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại địa phương, từng bước nâng cao ý thức của nhân dân. Ban tổ chức các lễ hội đều đã có các phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải tỏa lều quán lấn chiếm, sắp xếp hàng quán khoa học, gọn gàng; xây dựng các bến bãi đỗ xe, tổ chức trông giữ phương tiện cho khách, đảm bảo giao thông, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế trong lễ hội. Đã hạn chế tối đa tình trạng ách tắc giao thông, không có lễ hội nào để xảy ra tai nạn, cháy nổ. Theo thống kê sơ bộ, trong tháng Giêng năm 2012 đã có hàng chục triệu lượt người du xuân, tham dự các lễ hội đầu xuân.

Nhưng vẫn nhiều tồn tại…

Bên cạnh những kết quả tích cực, lễ hội năm 2012 vẫn còn một số tồn tại như tình trạng hòm công đức còn nhiều, hiện tượng đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định vẫn diễn ra ở hầu hết các di tích, đền, chùa. Tình trạng chen lấn, xô đẩy đốt đồ mã còn diễn ra thường xuyên, những trò chơi mang tính chất cờ bạc trá hình, xóc thẻ, xem bói, rồi vấn nạn ăn xin… vẫn diễn ra khá phổ biến.

Lễ hội Chùa Hương là lễ hội xuân sớm nhất và dài nhất trong năm, lại có tiếng là linh thiêng nên luôn thu hút đông đảo du khách thập phương. Lại thêm quan niệm đi chùa Hương phải đi 3 năm liền mới có lộc, nên nhiều người, dù ở rất xa, cũng không quản ngại đường sá, vất vả về đây trảy hội. Tuy nhiên, đi hội chùa Hương, không ít du khách cảm thấy tiếc, vì giữa không gian đẹp, linh thiêng thanh tịnh ấy, nhiều quán ăn treo thịt thú, thịt gia cầm lủng lẳng trước quán gây phản cảm. Bên cạnh đó là tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. “Du khách đi chùa Hương sau khi lễ bái xong, tranh thủ tìm chỗ rồi ngả lễ ra ngồi ăn bất cứ chỗ nào thuận tiện, rồi vô tư xả rác bừa bãi làm mất mỹ quan nơi chùa chiền… Năm nay cũng vậy, mặc dù Ban tổ chức đã bố trí nhiều sọt rác dọc hai bên suối Yến tại khu vực bến đò, trên từng thuyền và trong khu vực chùa Thiên Trù, rồi hàng chục nhân viên vệ sinh được huy động để liên tục vớt rác trên suối Yến, thu gom rác tại khu vực chùa... nhưng rác thải vẫn tràn ngập” - một đại diện BTC lễ hội Chùa Hương cho biết.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đền Bà Chúa Kho. Từ những ngày đầu năm Nhâm Thìn (2012), hàng ngàn người ùn ùn đổ về Bắc Ninh đi lễ cầu lộc cầu tài. Lượng khách quá đông nên đoạn đường dẫn vào đền thường xuyên bị quá tải, chen lấn. Dọc hai bên đường vào đền, các dịch vụ soạn lễ cúng, giữ xe mọc lên nhan nhản. Những mâm lễ dâng lên Bà Chúa Kho đầy ắp tiền vàng âm phủ, như cành vàng lá bạc, vàng thỏi, vàng cục, vàng lá, đô la… Và để có được mâm lễ hàng mã ấy, số tiền người đi lễ phải chi ra không nhỏ, từ vài trăm, có khi lên tới hàng triệu đồng tiền thật.

Lễ hội đền Trần (Nam Định) năm 2012, theo phương án mới, không phát ấn ngay sau khi khai ấn, mà để đến sáng ngày 15 mới phát ấn, nên đã tránh được tình trạng chen lấn, xô đẩy như năm trước. Tuy nhiên, người dân chưa kịp mừng về việc không còn phải chen lấn để lấy ấn như trước, thì đã lại phải bức xúc về việc nhà đền “hết ấn” ngay vào ngày hôm sau, chứ không phải phát ấn đến hết tháng Giêng như quyết định của UBND thành phố Nam Định, khiến cho nhiều du khách bức xúc vì đến lễ đền mà không “mua” được ấn. Không những thế, việc “hết ấn” này còn tạo cơ hội cho “phe ấn” hoành hành. Trên thực tế, dù nhà đền hết ấn để phát, nhưng nếu du khách chịu bỏ khoảng 100.000-150.000 đồng ra thì vẫn sẽ có ấn... Trước tình trạng này, nhiều người lo ngại rằng, lễ Khai ấn đền Trần năm 2013 sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải, bởi những người có nhu cầu chắc chắn đi đúng ngày để không bị hết ấn... Không chỉ phiền lòng về việc phát ấn không đúng như thông báo, những người đi dự Lễ Khai ấn đền Trần còn thấy nhiều cảnh không đẹp như tình trạng ăn mày, ăn xin la liệt, trong đó có rất nhiều trẻ em từ 2 tuổi trở lên bị bắt ra đường ngồi ăn xin. Rồi trò cờ bạc tôm, cua, cá... cũng thỏa sức hoành hành.

Nếu như năm ngoái, hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) chỉ kéo dài 1 tháng, thì đến năm nay, BTC đã nâng lên đến 3 tháng. Những ngày đầu xuân, lượng khách đến lễ chùa Bái Đính đông nghịt, bãi đỗ xe dài tới vài cây số. Hàng quán mọc lên vô tội vạ, xung quanh chân bức tượng đồng là những chảo xúc xích nướng, rán. Số người trẩy hội quá đông, nên lượng rác thải vứt bừa bãi rất nhiều. Tình trạng ăn xin, xóc quẻ thẻ vẫn diễn ra.

Tranh thủ những dịp lễ hội, các dịch vụ ăn theo như trông giữ xe ở nhiều đền, chùa, ở các di tích mọc lên tràn lan. Giá trông giữ xe cũng tăng cao hơn so với ngày thường, trung bình từ 10.000-30.000 đồng/xe máy, từ 50.000 - 150.000 đồng/ô tô. Ở đền Trần, giá trông giữ xe ô tô từ 100.000 - 400.000 đồng, tùy loại xe và địa điểm đỗ. Có thể nói, tình trạng trông giữ xe đạp, xe máy tại các lễ hội trong những ngày đầu năm 2012 này vẫn diễn ra một cách lộn xộn, vô tổ chức.
Đó chỉ là một vài ví dụ về những tồn tại, bất cập trong lễ hội trong những ngày đầu năm này. Tuy nhiên, đây không phải là những bất cập mới nảy sinh, mà là những “vấn nạn” đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn tồn tại như một “căn bệnh” cố hữu mà chưa tìm được “thuốc đặc trị”.

Phương Hà

Hạn chế bất cập trong lễ hội: Phải thay đổi từ ý thức người dân

Ngành văn hóa đang hết sức nỗ lực trong việc chấn chỉnh lại các hoạt động lễ hội, từng bước hạn chế, đẩy lùi những tiêu cực trong lễ hội. Song, đây là việc làm không hề đơn giản, và cũng không thể làm trong ngày một ngày hai...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN