Giữ hồn cho “báu vật” văn hóa quê hương

Về miền quê nghèo Châu Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình được nghe những giọt âm thanh trong trẻo, khoan nhặt của tiếng hát hòa trong nhịp phách ca trù và tiếng trống chầu văn của những ca nương, kép đàn, quan viên... thuộc câu lạc bộ (CLB) ca trù Phong Châu, xã Châu Hóa, thấy nao lòng đến lạ.

 

Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi nói về ca trù, ánh mắt cụ Trần Văn Duệ, Chủ nhiệm CLB ca trù Phong Châu vẫn bừng lên niềm say mê. Cụ khoe với chúng tôi: Ca trù Châu Hóa có bề dày truyền thống hơn 200 năm. Người có công đưa ca trù về đất Châu Hóa là quan chưởng ấn Nguyễn Đình Hanh, làm việc tại cung đình Huế, một người con của mảnh đất này. Sự độc đáo và phù hợp với văn hóa nơi đây đã giúp những làn điệu ca trù lan tỏa rất mạnh và lôi cuốn bà con. Cả làng hát ca trù, sống với ca trù. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng tâm hồn, lớn lên trong những điệu đàn, nhịp phách, được bố mẹ, ông bà truyền lại, rồi trở thành những ca nương, kép đàn, quan viên. Các thế hệ cứ nối tiếp truyền lại cho nhau, giữ lửa cho niềm đam mê ca trù cháy mãi.


Thời gian gần đây, những lo toan, mưu sinh của cuộc sống thường nhật vốn ngày càng trở nên hối hả và sự ra đời của những thể loại tân nhạc khiến nhiều người rời xa làn điệu truyền thống. Ánh mắt cụ Duệ bỗng đượm buồn khi nhắc lại: “Cả làng không còn sống với ca trù như trước nữa. Số ca nương, kép đàn, giám khảo chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lớn lên bằng những làn điệu ca trù, nó đã thấm vào trong tâm hồn tựa như một điều không thể thiếu được trong cuộc sống của tôi. Nhìn những đàn đáy đứt dây, trống chầu bỏ hỏng nhiều lúc thấy xót xa”.


Với chủ trương giữ gìn và phát huy văn hóa bản sắc dân tộc Việt, xã Châu Hóa đã quyết định thành lập CLB ca trù Phong Châu. Năm 2010, CLB chính thức đi vào hoạt động với 15 thành viên, cụ cao nhất đã trên 90 tuổi. Một vấn đề đặt ra lúc này là phải làm sao thu hút được lớp trẻ kế cận vốn không mặn mà với ca trù hay các loại âm nhạc cổ và chạy theo sức hút của các dòng nhạc đương đại trong khi hầu hết các thành viên nòng cốt đều đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Các cụ trong CLB đã đến từng nhà, động viên, khuyến khích mọi người tham gia CLB. Bất kể thời gian nào, hễ có người muốn học các cụ đều sẵn sàng truyền dạy. Đến nay, số thành viên trong đội đã tăng lên 25 với độ tuổi từ 30 tuổi trở lên. Ngoài ra các cụ còn truyền dạy cho một vài em nhỏ học THCS ở trong xã. Chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1972, một ca nương thuộc CLB ca trù Phong Châu tâm sự: “Trước đây tôi cũng không mặn mà lắm với hát ca trù, thấy nó vừa khó hát lại khó thưởng thức. Khi các cụ đến động viên tôi vào CLB tôi không muốn, vì cứ nghĩ thời gian cho con cái, đồng áng lấy đâu ra thời gian mà tập tành nữa. Nhưng thấy các cụ tâm huyết như thế, nên tôi cũng thử xem. Thế rồi từ thử nghe, thử học giờ tôi đâm ra nghiện. Càng nghe ca trù càng thấy hay, càng hiểu lại càng thấm, càng say”.


Năm 2010, CLB ca trù Phong Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì đã có thành tích đóng góp xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Hát ca trù vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.


Rời Châu Hóa, mảnh đất còn nghèo khó nhưng giàu truyền thống văn hóa này, trong mỗi chúng tôi chất chứa nhiều suy nghĩ khôn nguôi. Những con người yêu ca trù, sống với ca trù ấy luôn mang trong mình niềm đam mê nhưng lại có rất ít điều kiện để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy. Chợt nhớ lại những điều ông Duệ tâm sự: “Chúng tôi hầu hết là những người nông dân chân đất nghèo khó, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, không có kinh phí vì thế cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Từ cái quạt đến bộ trang phục biểu diễn đều phải tự mua sắm. Chúng tôi chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, dù nhỏ cũng được để CLB của chúng tôi cũng như các CLB ca trù khác trên cả nước có điều kiện tập luyện và hoạt động”.


Hà Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN