Đã có thời gian sau năm 1975, âm nhạc không lời (thính phòng, giao hưởng) có một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm trở lại đây, dòng nhạc giao hưởng không những giậm chân tại chỗ mà còn có dấu hiệu thụt lùi. Làm thế nào để đưa được thể loại nhạc “hàn lâm, bác học” này lên vị trí xứng tầm là nỗi trăn trở của cả các nhà quản lý lẫn những nghệ sĩ đau đáu với nghề.
Những nốt nhạc trầm
Khán giả ít quan tâm đến nhạc giao hưởng thính phòng, các phương tiện nghe nhìn, các trung tâm văn hóa đều ưu ái nhạc nhẹ, ca khúc, pop, rock…. Thêm vào đó là đội ngũ kế thừa lại mong manh, khó say nghề, ít triển vọng. Đó chính là những âm trầm trong bản giao hưởng của âm nhạc Việt Nam hiện nay.
Giao hưởng thời hoàng kim
Từ những năm 1960, Việt Nam đã có những chiến lược đúng đắn về phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp, trong đó rất coi trọng vị trí của âm nhạc không lời (thính phòng, giao hưởng). Thời kỳ đó, Việt Nam có hẳn một dàn nhạc giao hưởng quốc gia có hơn một trăm nhạc công với “biên chế” đầy đủ đạt chuẩn quốc tế, gồm nhạc công, ca sĩ solo và dàn hợp xướng. Rất nhiều các tác phẩm kinh điển của thế giới đã được dàn dựng thành công như: Vở nhạc kịch Evghenhi Onhegin, Giao hưởng số 6 của Beethoven, hay dựng vở nhạc kịch “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên...
Hy vọng trong những năm tới, giao hưởng sẽ có vị trí xứng đáng hơn trong nền âm nhạc nước nhà. ảnh: internet |
Đó là thời kỳ của những ca khúc bất hủ trong kháng chiến chống Pháp, những tác phẩm quy mô lớn như giao hưởng “Quê hương” 4 chương của nhạc sĩ Hoàng Việt, các vở opera “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Bên bờ Krôngpa” của nhạc sĩ Nhật Lai, thơ giao hưởng “Đồng khởi” của Nguyễn Văn Thương… Những vở nhạc kịch, những bản giao hưởng, hợp xướng ấy đã góp phần tạo nên dấu ấn một thời của nền âm nhạc Việt Nam chuyên nghiệp, đỉnh cao.
Ngày đó, nhiều tài năng biểu diễn của nước ta đã được thế giới biết đến: NSƯT Phan Phúc, NSND Tạ Bôn, NSND Bích Ngọc (violin), Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My (piano)... Sau này là Đặng Thái Sơn (giải Nhất Concour Chopin năm 1980), Tôn Nữ Nguyệt Minh, Đỗ Phượng Như...
Sau năm 1975, cả nước có 3 ngôi trường lớn đào tạo về âm nhạc, trong đó có âm nhạc cổ điển. Đó là Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và Nhạc viện Huế. Hàng năm những trường này xuất hiện một số lượng nghệ sĩ, nhạc công rất lớn. Ngoài ra, còn có một số ít nhạc công dòng cổ điển được đào tạo ở các trường nghệ thuật tỉnh. Thời kỳ này, rất nhiều học sinh nước ta được Nhà nước gửi đi đào tạo ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ). Những chuyên gia, giáo sư âm nhạc đầu ngành nước ta đã được đào tạo, trưởng thành từ nhiều trường, điển hình là Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Đây được coi là thời kỳ phát triển rực rỡ của âm nhạc thính phòng giao hưởng.
Chìm vào quên lãng
Phần đông giới trẻ không hứng thú với nhạc giao hưởng. Họ cho rằng đó là loại nhạc khó hiểu, người nghe ngoài việc lắng ở tầng sâu còn phải có trình độ văn hóa, sự hiểu biết…. Bên cạnh đó, sự du nhập của nhiều luồng văn hóa mới đã làm đa dạng các loại hình âm nhạc. Việc thị hiếu của công chúng Việt Nam bị tách ra thành nhiều đối tượng nghe nhạc là điều không thể tránh khỏi.
Các ca sĩ trẻ liên tục ra album, trong đó không hiếm những bài hát sáng tác theo kiểu “mì ăn liền”. Nhạc trẻ thống lĩnh khắp nơi, từ sân khấu biểu diễn cho tới quán hàng ngõ phố, nhạc chuông nhạc chờ… Nhiều trong số những người sáng tác ca khúc đó, chưa hề qua trường lớp, chỉ biết chút nhạc lý cũng bỗng chốc trở thành “nhạc sĩ”.
Ông Phạm Trọng Chương, Chủ nhiệm khoa Giao hưởng – piano trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, trầm ngâm: “Bây giờ không mấy bạn trẻ thích nghe nhạc giao hưởng, thính phòng. Các bạn ấy dễ dãi hơn trong việc lựa chọn âm nhạc giải trí. Ngày càng có nhiều ca khúc thị trường với ca từ và giai điệu đơn giản, thậm chí là thô thiển. Những ca khúc đó dễ thuộc nhưng cũng rất dễ quên”.
Trên kệ của hầu hết các cửa hàng băng đĩa, nhạc giao hưởng thính phòng xuất hiện thật khiêm tốn. Anh Lê Sỹ Lâm, chủ một cửa hàng băng đĩa ở đường Cầu Giấy, cho biết: “Hiếm có người hỏi mua đĩa nhạc giao hưởng, cùng lắm là bán được đĩa hòa tấu ghita cổ điển, nhưng cũng không nhiều. Hồi mới mở cửa hàng tôi cũng lấy đủ các thể loại nhạc, nhưng vì quá ít người hỏi mua nên bây giờ tôi không lấy đĩa nhạc giao hưởng nữa”.
Dẫu rằng vài năm trở lại đây, phong trào đi nghe nhạc giao hưởng đã được khởi động lại ở Hà Nội, nhưng dường như những người thưởng thức đã mang một tâm thức muốn “bình dân hóa” khi đi nghe thứ nhạc “hàn lâm” này. Và quan trọng là họ biết vỗ tay đúng lúc sau khi kết thúc toàn bộ tác phẩm, chứ không phải là sau mỗi chương.
Nguyên nhân từ đâu?
Ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Trước đây, Nhà nước bỏ tiền cho học sinh đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng bây giờ muốn cho con đi du học, gia đình phải tự bỏ tiền. Đó là lý do khiến số lượng nhân tài ít đi, chưa kể các em học xong không về nước mà tham gia biểu diễn hoặc giảng dạy ở nước ngoài. Hiện nay, Nhà nước có những chương trình ký kết với các nước để đưa học sinh đi du học. Tuy nhiên rất nhiều học sinh nước ta không đạt được những yêu cầu về ngoại ngữ. Điều này đã hạn chế số lượng học sinh được đi học ở nước ngoài để học hỏi, trau dồi nghề nghiệp. Bộ cũng đã kiến nghị hạ bớt tiêu chuẩn, để có nhiều em được đi nước ngoài học bằng tiền ngân sách. Nhưng việc này là rất khó vì tiêu chuẩn do nước họ đề ra.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội:
Hiện nay, khán giả thích nghe nhạc giao hưởng cổ điển đã bắt đầu tăng lên, tuy chưa thể so sánh với công chúng của nhạc trẻ và nhạc trữ tình. Nhưng nếu vì ít công chúng mà chán nản, mà quên đi sự có mặt của mảng âm nhạc này thì mãi mãi âm nhạc Việt Nam sẽ không được gọi tên trong danh sách âm nhạc thế giới.
Ông Phạm Thanh Hà, nhạc công chơi violon trong dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam:
“Ngồi dàn nhạc mười mấy năm như tôi thu nhập một tháng 3,5 triệu đồng. Rạc cẳng kiếm thêm, tháng nhiều cũng được 6-7 triệu đồng, nhưng cũng chỉ được vài tháng trong năm” . Ba đứa con tôi, đứa nào cũng có những năng khiếu nhất định về âm nhạc. Nhưng tôi cũng chưa biết có nên hướng con theo nghề của tôi hay không…”. |
Bên cạnh những nguyên nhân như nhạc thính phòng khó hiểu, các nghệ sĩ giao hưởng ở Việt Nam chơi chưa hay, chưa đủ thuyết phục người nghe. Thì còn một nguyên nhân nữa, đó là sự đầu tư thiếu công bằng giữa các mảng nghệ thuật.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam có lần đã trả lời phỏng vấn báo chí rằng, sự đầu tư cho nghệ thuật ở nước ta vẫn duy trì hình thức cào bằng hàng chục năm nay. Mảng nhạc hàn lâm không được bất cứ sự đầu tư mang tính ưu tiên nào. Thậm chí đến địa điểm cố định để biểu diễn cũng không có. Tất cả Hà Nội dồn vào Nhà hát Lớn. Cả thính phòng, nhạc nhẹ, sân khấu, hội nghị… đều vào đó. Mà Nhà hát Lớn sức chứa chỉ khoảng 600 chỗ. Cho dù biểu diễn 5 buổi/ngày thì cũng chỉ có 3.000 khán giả, không bằng một buổi biểu diễn nhạc pop ở sân vận động Mỹ Đình. Như thế thì làm sao nhạc giao hưởng có công chúng, mà không có công chúng thì làm sao có động lực phát triển?
“Hiện nay, giao hưởng bị rơi vào tình trạng có cũng được không có cũng được. Người ta quan tâm nhiều hơn đến giá vàng, chứng khoán. Cũng phải thôi, khi no đủ rồi người ta mới cần những thứ làm đẹp cho đời”, ông Phạm Trọng Chương, Chủ nhiệm khoa Giao hưởng – piano trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chua chát.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nói: “Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nhất là nhạc giao hưởng, trong xã hội đang dần được khôi phục, tuy mới hình thành ở một số ít khán giả. Vì vậy rất cần sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước cho nhạc giao hưởng”.
Ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: “Nhà nước cũng đã quan tâm, nhưng quả thật còn chưa tới. Giống như một bà mẹ lắm con, chắc cũng phải dần dần. Chúng tôi hy vọng sẽ có riêng một nhà hát với đầy đủ các yếu tố phù hợp với lĩnh vực giao hưởng”.
Làm thế nào để nhạc giao hưởng tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng? Bài toán khó đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các nhà quản lý, mà còn ở những người hoạt động trong lĩnh vực nhạc giao hưởng thính phòng.
Nguyễn Cúc