Ngay trong nghiên cứu của mình, nhà báo Trương Uyên Ly cũng cảm thấy “ngợp” với khái niệm về không gian sáng tạo. Tất cả các không gian sáng tạo ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều khác nhau về quy mô, loại hình và lĩnh vực hoạt động. Mỗi không gian là một ví dụ độc đáo cho khái niệm “không gian sáng tạo”.
Đó có thể là một văn phòng làm việc chung và kết nối những người cùng sở thích (The Start Centre, Work Saigon), một cơ sở đào tạo (như Học viện ADC), một quỹ đầu tư và văn phòng làm việc chung (như Saigon Co-working), một địa điểm chào đón tất cả những ý tưởng sáng tạo mới (Saigon Outcast, Hanoi Rock City), một diễn đàn chia sẻ thông tin trực tuyến (Hanoi Grapevine), hay địa điểm trò chuyện thảo luận của tất cả những người hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo và những người yêu văn hóa (Cà phê thứ bảy).
Không gian sáng tạo Heritage Space (Hà Nội) là "bà đỡ" cho nhiều chương trình nghệ thuật. |
“Bởi tính độc đáo, đặc thù riêng, rất khó để có thể phân loại rõ ràng các không gian sáng tạo. Tác giả báo cáo này đã sử dụng những tiêu chí sau để phân loại: ‘Kết nối’, ‘sáng tạo’ và ‘có định hướng kinh doanh’.
Không gian sáng tạo có thể là những địa điểm gặp gỡ của những cá nhân làm trong ngành sáng tạo như nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà thiết kế, nhà làm phim, nhà thiết kế các ứng dụng (apps), các doanh nghiệp khởi nghiệp, và cộng đồng sáng tạo nói chung.
Nếu theo định hướng kinh doanh, có rất nhiều các mô hình khác nhau bao gồm kinh doanh có lợi nhuận như Saigon outcast, Work Saigon và ADC Academy; và phi lợi nhuận như Cà phê Thứ Bảy.
Một số có thể không đem lại lợi nhuận nhưng có thể tự hoạt động như Saigon Outcast. Bằng cách sử dụng 3 tiêu chí này, tôi có thể nhận dạng được gần 40 không gian sáng tạo tại Việt Nam”, Trương Uyên Ly chia sẻ.
Có rất nhiều ví dụ về các không gian sáng tạo độc lập 100%, ví dụ như CAMA (Hà Nội), một công ty âm nhạc có chủ sở hữu là những người nước ngoài yêu âm nhạc, hay Hanoi Rock City (HRC) một không gian cho các sự kiện về sáng tạo.
Từ năm 2008 CAMA đã mời rất nhiều ban nhạc quốc tế (hầu hết là ban nhạc rock) đến Việt Nam.
Đầu năm 2012, quán bar âm nhạc CAMA ATK mở cửa, sớm trở thành một không gian cho các sự kiện âm nhạc thể nghiệm và các nghệ sỹ như Vũ Nhật Tân, Lương Huệ Trinh, Nhóm Ca Trù và Đàn Tranh, nhóm sáng lập Hầm Hành, và các nhạc sỹ quốc tế đang sinh sống tại Hà Nội gặp gỡ trao đổi ý tưởng, hợp tác trong các dự án và cùng biểu diễn.
Quán cũng đã góp phần lôi cuốn khán giả Hà Nội đến với âm nhạc thể nghiệm. Hanoi Rock City khai trương vào cuối năm 2010, thuộc về một nhóm bạn yêu nghệ thuật và âm nhạc người Việt Nam và người Anh. |
Nếu như vào thời điểm những năm 1990 hay đầu năm 2000, hầu hết các không gian và sự kiện về sáng tạo và thể nghiệm nghệ thuật mới, đều được tài trợ và phụ thuộc vào các tổ chức văn hóa như L’Espace, Viện Goethe, Hội đồng Anh, hay Quỹ Ford; thì đến nay, các không gian trở nên độc lập hơn, chỉ còn phụ thuộc một phần, đến độc lập hoàn toàn.
Life Art/ Black Box (Hà Nội), mở vào năm 2010, là một ví dụ của không gian sáng tạo phụ thuộc một phần. Đây là một không gian dành cho các khám phá mới về sân khấu, với các lớp học sử dụng nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu, và các kỹ năng về múa để các cá nhân có thể tìm hiểu và phát triển bản thân mình.
Nghệ sĩ Phan Ý Ly, người sáng lập Life Art, đặt mục tiêu rõ ràng rằng Life Arts sẽ hoạt động như một doanh nghiệp xã hội, và không phụ thuộc hoàn toàn vào các quỹ hỗ trợ bên ngoài. Life Art đã có nhận tài trợ từ Hội đồng Anh và CDEF (Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch) cho một số dự án sân khấu, còn lại hầu hết các khóa học được tổ chức từ các ngân sách của Life Arts với sự đóng góp (học phí và thời gian) từ người tham dự và các tình nguyện viên trẻ.
Cùng nhóm với Life Art còn có Manzi (Hà Nội), quán café phòng tranh với 100% vốn đầu tư là của chủ sở hữu người Việt Nam. Các hoạt động ở không gian đều tự chủ về tài chính, trừ phần CDEF hỗ trợ cho chi phí tổ chức các sự kiện văn hóa.
Còn với không gian sáng tạo độc lập 100%, hay nói cách khác họ sử dụng tiền của mình để duy trì hoạt động là Heritage Space (Hà Nội), Station 3A (Nhà Ga 3A) tại TP Hồ Chí Minh.
Station 3A, khai trương ngày 6/4/2014, là một không gian sáng tạo với những hoạt động như một không gian nghệ thuật, bao gồm Mai’s gallery, Saigon Open City, các hội chợ nghệ thuật, không gian cho các nghệ sỹ vẽ tranh graffiti, cửa hàng thời trang, và cửa hàng bán sản phẩm trang trí nội thất; mục tiêu là tạo một địa điểm cho các nghệ sỹ gặp gỡ và giới thiệu tác phẩm của mình với công chúng.
Còn Heritage Space được khai trương không chính thức vào tháng 2/ 2014, là một không gian rộng nằm ở tầng trệt Dolphin Plaza, một tòa nhà chung cư ở Mỹ Đình, Hà Nội. Heritage Space gồm ba phòng lớn, có một gallery dành cho các triển lãm nghệ thuật, một thư viện/cửa hàng sách/quán café cho các buổi diễn thuyết, trò chuyện về nghệ thuật, sự kiện âm nhạc, giới thiệu sách và trung tâm kinh doanh với Wi-Fi miễn phí và nhiều sách tham khảo.
Phòng thứ ba là phòng hội nghị lớn, có thể sử dụng linh hoạt như một không gian mở cho các sự kiện và hoạt động khác nhau. Theo đại diện của không gian sáng tạo này, mong muốn của họ là xây dựng một trung tâm, một sân chơi, một điểm đến cho những trí thức và nghệ sỹ gặp gỡ và trao đổi, là nơi mà mọi người có thể trình bày những ý tưởng và suy nghĩ một cách cởi mở. Hầu hết các sự kiện tổ chức ở đây đều miễn phí cho công chúng, trừ một số hoạt động âm nhạc.
A.M