Điệu ví nuôi dưỡng tâm hồn giới trẻ Nghệ An

Hơn 10 năm qua, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã giúp các trường học ở Nghệ An định hướng được giá trị thẩm mỹ của học sinh, góp phần giáo dục các giá trị đạo đức, xây dựng nhân cách học sinh. Và lẽ tự nhiên, dân ca đã được chính thế hệ trẻ bảo tồn, gìn giữ và phát huy như giá trị của dân tộc, quê hương, gia đình và chính bản thân mình.

Học sinh trường THCS Nghĩa Đồng trong giờ học hát dân ca.


Để dân ca xứ Nghệ có thêm sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ, ăn sâu bám rễ trong đời sống nhân dân, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều nỗ lực xây dựng môi trường hát dân ca ví, giặm; trong đó, có các hoạt động như “Đưa dân ca vào trường học”, “Dạy hát trên truyền hình”, thành lập các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh… Tình yêu dân ca cũng như phong trào hát dân ca đã được các thầy cô giáo và các em học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu tiếp nối và phát huy. 

Em Nguyễn Thị Mỹ Tiên, học sinh lớp 10C1 trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng không nhớ mình đã biểu diễn tiết mục hát xẩm “Công cha nghĩa mẹ ơn Thầy”, điệu “Ví giận thương”, hò “Bơi thuyền” bằng làn điệu dân ca ví, giặm bao nhiêu lần và lần nào cũng được các bạn, các anh chị và các giáo viên trong trường hưởng ứng nhiệt tình. Say mê văn học dân gian từ khi còn là học sinh cấp 2, từ đó Tiên lại tìm hiểu thêm về dân ca ví, giặm. Không có ai trong gia đình theo nghiệp hát hay biết hát dân ca ví, giặm, nhưng do tình yêu với làn điệu dân ca của quê nhà, rồi tự tìm hiểu qua đĩa hát của các nghệ sĩ chuyên nghiệp; Mỹ Tiên đã ngấm dần rồi đam mê với những khúc hát dân ca. “Dân ca ví, giặm chan chứa tình cảm. Ca từ của nó rất bình dị, đời thường nhưng lại rất sâu sắc, mang tính giáo dục cao. Dân ca, ví, giặm có độ đằm riêng mà ở trong nhạc trẻ không hề có”, Mỹ Tiên chia sẻ.   

“Thời gian tới, trong quá trình dạy học, nhà trường sẽ mời thêm các nghệ nhân dân gian hát dân ca ví, giặm. Nghệ nhân dân gian là những người có thể không được đào tạo bài bản, chính quy, song lại nắm giữ được cái hồn của âm nhạc dân gian, có khả năng truyền lửa, truyền cảm xúc đến với các em học sinh. Sự kết hợp giảng dạy giữa giáo viên ngữ văn, giáo viên lịch sử và nghệ nhân dân gian sẽ làm cho môn học sống động hơn, tăng sức hút đối với học sinh”, thầy giáo Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết.

Yêu hát dân ca ví, giặm từ nhỏ, thầy giáo Trịnh Hữu Dung - Giáo viên âm nhạc kiêm phụ trách Đoàn Đội của trường THCS xã Nghĩa Đồng cho biết: "Khi phong trào hát dân ca phổ biến đến các trường học, từ năm 2004 thầy đã lồng ghép những làn điệu ví, giặm vào bài giảng của mình bằng cách sáng tác những làn điệu phù hợp với lứa tuổi vừa gần gũi mà dễ thuộc để các em có thể dễ đọc, dễ nhớ và từ đó yêu những làn điệu dân ca. Theo thầy Hữu Dung, việc truyền dạy cho học sinh hát dân ca ví, giặm thực là khó. Thứ nhất là do du nhập dòng nhạc trẻ, nhạc thị trường đang phát triển rầm rộ như hiện nay, khiến không ít bộ phận giới trẻ say mê, yêu thích và thần tượng nó. Thứ hai là chất giọng của các em còn quá non, chưa đủ độ để luyến láy lên những âm vực cao hoặc thấp của dòng nhạc dân gian. Khắc phục những khó khăn trên, muốn các em hát được dân ca phải khiến các em hiểu và say mê nó trước đã. Muốn vậy, người thầy phải thổi hồn các làn điệu, các ý tứ, lời thơ, lời ca của dân ca ví, giặm. Kế tiếp, cũng giống như mình tập nói cho các em từ ngôn ngữ, cách hát, cách luyến láy, cách nói cho đúng điệu dân ca, tất cả phải từng bước một và dần dần, mỗi ngày một ít để các em thấm và ngấm dần vào tâm hồn mình".    

Hạt nhân Phạm Thị Thu Hiền năm nay đang học lớp 6B trường THCS Nghĩa Đồng, ẩn sâu trong dáng người bé nhỏ ấy là giọng hát ngọt ngào, sâu lắng khi cất lên các làn điệu dân ca. Yêu thích hát dân ca từ nhỏ, nên Hiền thường theo bố đi tham gia các hội thi, hội diễn trên địa bàn huyện và trong tỉnh; trong những lần tham gia ấy cũng là dịp để Hiền thử sức và thể hiện khả năng của mình. Những câu hát giặm, hát ví, hát từ hoa, hát khuyên… của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đều được Hiền thể hiện rất chuyên nghiệp. “Em yêu thích những câu hát dân ca bởi trong đó chứa đựng những lời khuyên, lời răn giáo dục giúp chúng em nên người”, Hiền cho biết.


Bài, ảnh: Bích Huệ       

Ngày 31/1 sẽ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Ngày 31/1 sẽ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Lễ vinh danh và đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ diễn ra vào ngày 31/1/2015

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN