Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu là lãnh đạo các ban, ngành liên quan, các họa sỹ, nhiếp ảnh gia, các nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhiếp ảnh...
Nhiều trở ngại lớn
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Giám định tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh ở Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc trang thiết bị kỹ thuật... trong khi đời sống mỹ thuật, thị trường mỹ thuật trong nước đã bắt đầu phát triển, giao lưu, trao đổi.
Hiện các hoạt động mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật ở trong nước và nước ngoài đang ngày càng phát triển, nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, người chơi tranh, mua tranh, ảnh của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là nhu cầu thật, đang diễn ra hàng ngày.
Thị trường mỹ thuật ở Việt Nam bắt đầu phát triển theo quy luật kinh tế thị trường và theo mô hình chung của thế giới là: sáng tác, phổ biến, công bố, mua bán, đấu giá, lưu giữ, sử dụng, sưu tập, kinh doanh nghệ thuật. Chính vì vậy, hoạt động giám định là nhu cầu thực tế, cần thiết để xác định tính nguyên gốc của tác phẩm, bản quyền tác giả trong các hoạt động mua bán, kinh doanh khi tham gia vào thị trường chung và luật chơi của thế giới.
Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành cũng thừa nhận, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam đang đứng trước những khó khăn lớn, đó là thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có cũng rất sơ sài, chung chung, khó áp dụng. Tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài” đang là suy nghĩ đè nặng trong nhiều người. Bên cạnh đó, các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để làm các kiểm tra kỹ thuật hiện hoàn toàn nhờ vào con người, máy móc của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an… Đây là những trở ngại rất lớn không thể một sớm một chiều khắc phục được ngay.
Xây dựng hồ sơ nghệ sỹ
Tại hội thảo, các họa sỹ, nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhiếp ảnh, các giám tuyển nghệ thuật… đã chia sẻ về thực trạng, khó khăn trong công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh hiện nay ở Việt Nam, đồng thời nêu ra những ý kiến đóng góp xây dựng, những kinh nghiệm, hiểu biết, trải nghiệm nhằm giúp Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) tổ chức hoạt động giám định tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của đời sống mỹ thuật hiện nay.
Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Bùi Thị Thanh Mai cho rằng, sự thành công của thị trường nghệ thuật phụ thuộc phần lớn vào niềm tin về tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Những sự kiện về nạn tranh giả, tranh nhái được báo chí đưa tin trong những năm gần đây cho thấy một mảng tối của nền mỹ thuật Việt Nam. Để giải quyết nhu cầu cấp thiết về công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh góp phần định hướng, tác động tích cực đến sự công khai, minh bạch, phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam...
Theo bà Bùi Thị Thanh Mai, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bức tranh bị giả mạo là do không có đủ tài liệu để chứng minh đó là bản gốc, đồng thời Việt Nam cũng chưa có phòng thí nghiệm để có thể phân tích, giám định tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Thêm vào đó, trong một thời gian dài, các nghệ sỹ thường ít quan tâm đến cách tham gia, giúp đảm bảo giá trị các tác phẩm nghệ thuật của mình. Việc thiếu thông tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tác phẩm giả mạo. Điều đó cho thấy, tài liệu về nguồn gốc tác phẩm có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tính xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác phẩm mỹ thuật.
Bà Bùi Thị Thanh Mai nêu ý kiến, các nghệ sỹ cần xây dựng Hồ sơ nghệ sỹ với ý nghĩa như một kho lưu trữ cung cấp các dữ liệu để mọi người có thể dễ dàng tra cứu thông tin về tác phẩm, sáng tác của nghệ sỹ. Việc quan tâm, chú trọng xây dựng Hồ sơ nghệ sỹ không chỉ là một cách để đảm bảo tài sản, trí tuệ, còn là sự tiếp cận quảng bá thương hiệu tới công chúng một cách hữu hiệu về công việc, nghệ thuật của các nghệ sỹ, giúp họ hưởng lợi trong việc bảo vệ tài sản, trí tuệ nghệ thuật, cũng như hình ảnh của mình theo cách thức chuyên nghiệp, như các nghệ sỹ trên thế giới đã, đang thực hiện - bà Bùi Thị Thanh Mai nhấn mạnh.