Công trình được xây dựng trên diện tích gần 24.000 m2 trong khu Công nghiệp Sao Mai - Vàm Cống. Nhà máy có công suất 120 tấn nguyên liệu/ngày, sản lượng cá Fillet đông lạnh dự kiến khoảng 20.000 tấn/năm. Nhà máy được lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất hoàn toàn nhập khẩu từ Châu Âu, có qui trình nạp liệu tự động, hệ thống cấp đông hiện đại. Dự kiến thời gian xây dựng từ 12 - 14 tháng. Sau khi hoàn thành, Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ sẽ góp phần nâng tổng công suất chế biến của IDI hơn 500 tấn nguyên liệu/ngày.
Hiện nay, Đồng Tháp có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản có tổng công suất thiết kế trên 500.000 tấn/năm, chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu với tỷ trọng kim ngạch chiếm khoảng gần 40% của cả nước. Các doanh nghiệp đã thu hút hơn 25.000 lao động. Trong đó Công ty IDI là doanh nghiệp lớn, đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra của tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, cuối tháng 10/2024, Công ty IDI đã phát hành thành công lô trái phiếu xanh trị giá 1.000 tỷ đồng đầu tiên ở khu vực Châu Á.
Việc IDI sử dụng 'nguồn tài chính xanh' để xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ đã cho thấy sức bật mạnh mẽ của doanh nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu Việt Nam quyết tâm trở thành người tiên phong thực hiện 'Hành trình xanh - Giá trị xanh'. Đây là khẩu hiệu để chuyển đổi sản xuất cá tra Việt Nam hướng đến phát triển bền vững trong giai đoạn mới mà Bộ NN& PTNT đã phát động.
Hiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tiếp đón nhận nhiều thông tin rất lạc quan từ Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông và khối ASEAN. Đặc biệt thị trường Hoa Kỳ và Nam Mỹ đang gia tăng sức hút khi năm 2024, có 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp (POR19) mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng, trong đó có Công ty IDI. Lợi thế về thị trường xuất khẩu thủy sản vào Mỹ đang rộng cửa cho doanh nghiệp này từ chính sách thuế suất ưu đãi.