Những người yêu sách TP Hồ Chí Minh đã có dịp hội ngộ với hai tác giả Ngữ Yên và Trương Gia Hòa tại đường sách Nguyễn Văn Bình trong buổi nói chuyện thú vị, chạm vào tâm cảm nhiều người xoay quanh chủ đề Sài Gòn của người tha hương.
Hai tác giả trong buổi giao lưu với độc giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh). |
Điều thú vị chính từ sự chia sẻ về cách “bám rễ” rất lạ ở Sài Gòn của cả hai tác giả. Bởi thông qua cách ăn, quan niệm lối sống của hai tác giả đã thấy rõ tâm tình, khát vọng của những người tha hương trên mảnh đất mà với họ từ lâu đã xem là “nhà”.
Tác giả bộ sách “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” và “Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê” – nhà báo Ngữ Yên, cho biết câu chuyện của anh bắt đầu từ quê nhà Vạn Giã (tỉnh Khánh Hòa) đến Sài Gòn và trong xuyên suốt hành trình làm nghề báo, anh có dịp đi, tiếp cận với những ngóc ngách của đời sống, để từ đó “chuyến đò” ẩm thực đưa anh đến với những miền thơm của văn hóa.
Hai quyển sách về ẩm thực của tác giả Ngữ Yên. |
Không chỉ đơn thuần ăn và kể lại, luận bàn ngon, dở, Ngữ Yên đã có công nghiên cứu khá kỹ về nguồn gốc, tiếp biến văn hóa qua những món ăn. “Khi đã ăn là phải biết gốc gác xa xưa, nơi bắt nguồn của chính món ăn, những thứ đã làm nên món ăn ngon tuyệt vời như vậy. Câu chuyện của tôi thông qua ẩm thực là nghệ thuật khám phá văn hóa”, anh chia sẻ.
Còn tác giả Trương Gia Hòa lại là câu chuyện khác. Chị được biết đến là một giọng thơ giàu nữ tính của văn học Sài Gòn thế hệ lớn lên sau giải phóng, một nhà báo đứng mục trên một số tạp chí với các bài viết “ngợi ca sống chậm”.
Tác phẩm của tác giả Trương Gia Hoà. |
Khi Trương Gia Hòa viết “Đêm nay con có mơ không?”, những suy tư của chị hướng nhiều đến gia đình, đến những giá trị đang bị xem là xưa cũ chị mang từ quê lên phố, dùng dằng giữa cái truyền thống với cái hiện đại.
Điều đáng nói, quyển sách của chị được viết ra trong khi đang chiến đấu với “tử thần”, chống lại căn bệnh ung thư. Vậy mà, ngòi bút của chị vẫn trong trẻo, gần gũi… đưa người đọc vào thế giới của một kẻ “vượt thoát” khỏi những tù túng, chật chội của đời sống đô thị. Có thể nói, câu chuyện của chị còn được xem như là “giải pháp tinh thần”, giúp mọi người có một tâm thế sống an lành giữa một đô thị nhiều dồn nén và áp lực.
Tác giả Trương Gia Hoà ký tặng sách cho độc giả tại buổi giao lưu. |
Một câu chuyện về văn hóa trong “chiếc áo ẩm thực”, một về lối sống cho người đọc hiểu hơn về nhịp đập của đô thị nói chung và Sài Gòn - vùng đất của những người tha hương nói riêng. Sẽ không quá lời khi bảo rằng, hai tác giả, là đại diện cho những người con tha hương đang sống an lành, vui vẻ và không ngừng khám phá những giá trị tốt đẹp của thành phố này.