Cùng đồng bào các dân tộc tổ chức 'Đón Xuân vùng cao'

Thông tin từ Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, trong suốt tháng 1/2021, đơn vị sẽ tổ chức nhiều hoạt động chủ đề “Đón Xuân vùng cao”.

Chú thích ảnh
Vui Tết Độc Lập tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN

Thông qua chuỗi hoạt động này, đồng bào các dân tộc giới thiệu đến công chúng không khí vui Tết đón xuân cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán để du khách thêm hiểu những nét văn hóa, hoạt động truyền thống vui xuân, đặc trưng của từng dân tộc. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tăng cường giao lưu, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2021.

Trong đó có thể kể đến chương trình “Điệu xòe ngày xuân” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc. Đồng bào dân tộc Thái vốn có kho tàng văn hoá dân gian rất phong phú, nổi bật là những điệu xòe duyên dáng làm say lòng người. Múa xòe thường diễn ra vào các dịp lễ tết như mừng được mùa, mừng nhà mới, khi gieo hạt, du xuân… Chương trình cũng giới thiệu các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như  ném pao, đánh yến, nèm còn, đẩy gậy, đánh đu, nhảy sạp…

Đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An Tết sẽ tái hiện Tết cổ truyền Gơ rơ tại Làng. Theo quan niệm từ xa xưa, rượu cần là thứ quan trọng để thể hiện sự phát đạt của gia chủ trong năm vừa qua. Vì vậy, ngày Tết, trong nhà đồng bào Khơ Mú thường có từ 5-7 bình rượu cần. Mỗi gia đình đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà (1 gà trống, 1 gà mái), một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Gơ rơ. Sau lễ cúng thì năm mới đã bắt đầu với từng nhà. Cũng giống như người Kinh, trong ngày đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng, mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm.

Trong chương trình “Tết vùng cao”, đồng bào các dân tộc cùng nhau tập trung tại không gian làng dân tộc Khơ Mú, bằng lời ca tiếng hát, diễn xướng dân gian, hòa chung niềm vui, sự tin tưởng và quyết tâm đồng lòng chung niềm vui chung bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng.

Mỗi ngôi nhà của đồng bào các dân tộc đều chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết. Bên trong nhà có bày trí mâm ngũ quả, cành đào; treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày Tết của các dân tộc. Bên ngoài, đồng bào trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian. Đồng bào cũng giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống, thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… theo các điểm nhấn truyền thống, thế mạnh của từng làng.

Bên cạnh đó, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng diễn ra các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách và thu hút khách du lịch.

Thanh Giang (TTXVN)
50 tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số
50 tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và kết nạp hội viên năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN