“Chảo thắng cố” "Miền ngược" của Nguyễn Bảo Toàn

Mạn ngược là tên triển lãm sắp đặt và hội họa của họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn vừa khai mạc chiều ngày 5/6 tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu - Hà Nội). Đây là một triển lãm mà nếu ai đó chưa biết Nguyễn Bảo Toàn thì sẽ rất dễ nhầm tưởng tác giả của triển lãm là một nghệ sĩ người dân tộc chứ không phải của một người “sinh ra ở Hàng Bè. Biết lẫy, biết bò, đi ở Hàng Gai. Biết kiếm sống ở Hàng Đào, Hàng Ngang...”.

Bước ra từ “cánh gà”, Nguyễn Bảo Toàn xuất hiện trong bộ dạng như một “thầy mo”, tay cầm một nắm quẻ âm dương, trước bụng buộc một cái dón của người miền núi, cổ tay xủng xoẻng những vòng đá, lắc bạc... Ông đi quanh một cây cột buộc lúc lắc những bình hồ lô bằng gốm, phía trước cột có một cái “cổng”, treo ở giữa là một ngọn đèn, kiểu như đèn dầu lạc. Trải trước “cổng” là một tấm vải đỏ, dài chừng hơn hai mét, rộng chưa tới 1 mét. Họa sĩ cứ đi quanh đó, thi thoảng ném xuống vuông vải một quẻ âm dương, được một vòng thì dừng lại, quỳ lạy...

Đây chính là một phần tâm linh, tâm hồn của người miền núi đã ăn sâu vào tâm hồn của Nguyễn Bảo Toàn mà ông đã mang theo và gìn giữ từ khi gia đình ông quyết định cho ông lên miền núi tu tỉnh, lúc ông mới 13 tuổi.

Có người “báo mộng xui” làm triển lãm 

Họa sĩ Bảo Toàn đang “gieo quẻ”
để khai mạc triển lãm Miền ngược

Chả là ngày xưa, cậu bé Bảo Toàn được cho là khá ngỗ ngược. Cậu hay xuất hiện trên các toa tàu điện, không chỉ đi bán kem mà còn để thỏa “chí giang hồ”. Thế là, để rèn rũa, tu tỉnh cho cậu, gia đình quyết định gửi cậu khăn gói lên miền núi ở.

Quyết định này của gia đình chính là một bước ngoặt để Bảo Toàn trở thành một “nhà quê thị thành” không lẫn vào đâu được. Ngoài tiếng Việt, Bảo Toàn còn biết thêm 4 “ngoại ngữ” khác là Thái, Tày, Dao, Mông.

Ông kể: “Lên miền núi, tôi cho đó là một số phận và tôi cảm ơn số phận đó. Bởi lẽ chính số phận đó đã cho tôi được ngày hôm nay, cho tôi được làm nghệ thuật. Và chính vì làm nghệ thuật nên tôi đã có được khoảng thời gian để sống rất phong phú và đa dạng hơn, nhất là trong nghệ thuật”.

Chính vì lẽ đó nên Mạn ngược của Nguyễn Bảo Toàn được chia làm nhiều phần, cho thấy sự chiêm nghiệm đã đi qua và trở thành ký ức, hình ảnh hôm nay của Nguyễn Bảo Toàn: phần thứ nhất gồm những lọ gốm, tượng trưng cho đời sống văn hóa ở ngoài chợ, uống rượu vui vẻ của người dân tộc, đặc biệt là người Mông. Trên bình gốm họa sĩ vẽ cảnh giao duyên, cảnh nam nữ yêu nhau và cảnh chợ búa. Phần thứ hai gồm những cọc gỗ, biểu trưng cho những hàng rào của người dân tộc hay dùng để buộc trâu bò... Phần thứ ba là những tác phẩm chủ yếu vẽ về chợ phiên của người miền núi và những con người trong đó chỉ như là những hình bóng. Đặc biệt, chất liệu của những bức họa này là giấy của người Mông được làm rất mỏng từ cỏ cây...

Ông cho biết: “Trong thâm tâm tôi, từ rất lâu rồi, chính xác là từ 2005 rất muốn làm một triển lãm như thế này về “miền sơn cước”, nhưng lại chưa hình dung ra, chưa biết phải làm thế nào và làm về cái gì. Trong đầu tôi cứ quẩn quanh suy nghĩ về những phiên chợ tình, những thửa ruộng bậc thang và đã định làm triển lãm về những thứ này, nhưng rồi lại nghĩ ruộng bậc thang và chợ tình vẫn chưa thể phản ánh được đầy đủ vẻ đẹp văn hóa của người miền núi nên lại gác và tiếp tục khao khát. Và chính vì mình hay khao khát quá nên hay có những giấc mơ. Trong giấc mơ gần đây nhất, có một cụ già người miền núi (vô hình, vô ảnh) vỗ vai tôi bảo rằng: “Bảo Toàn ơi! Dậy làm triển lãm mạn ngược đi. Tỉnh dậy đi, làm đi...”. Thế là tôi tỉnh giấc rồi nói một mình: “Ô, hay quá nhỉ. Đúng. Mình phải làm một triển lãm mạn ngược. Và, cả đêm đó tôi không ngủ được. Sáng hôm sau cho đến bây giờ, gần một năm, tôi cứ hối hả, hối hả với mạn ngược trong mơ ấy...”


 

Một tác phẩm sắp đặt của Bảo Toàn tại triển lãm Miền ngược


Chảo thắng cố của người nhà quê thị thành

Mạn ngược của Nguyễn Bảo Toàn biểu hiện được tư chất của chính ông, một tư chất được hòa quyện vào trong núi rừng, trong tâm tính của người miền núi mà chưa nhiều người biết được.

Đến với Mạn ngược của Nguyễn Bảo Toàn, người xem bị kéo vào không gian thiêng của lên đồng, với các cô sơn lâm, sơn trang, giữa ngàn xanh tỏa bóng, lạc vào những phiên chợ tình với những rượu ngô, chảo thắng cố như đang năn nỉ cùng ông về cái tình cũ, cái tình chi... Tất cả đều bừng lên một vẻ đẹp của miền sơn cước, nhưng cũng đẫm chất ma mị, thô mộc lẫn hùng tráng, vừa thiêng, vừa độc rất hấp dẫn tâm hồn lãng mạn và ưa mạo hiểm.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét: “Ở sáng tác của Nguyễn Bảo Toàn, cái thô mộc toàn cục được tạo ra từ những chi tiết chắt lọc rất cảnh vẻ. Sự phong phú dư thừa được tạo dựng từ sự lặp đi lặp lại những hình thể quá đơn giản và giống nhau, tạo nên một cái gì đó giễu nhại, hóm hỉnh trong khúc tình ca “thủng thẳng kêu quanh mé đồi” bi thiết làm người xem đến mủi lòng. Những mẫu thuẫn nội tại ấy góp phần làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật Nguyễn Bảo Toàn”.

Chung quy, Mạn ngược là một sự tổng hợp về văn hóa mà thứ văn hóa này nó như một chảo thắng cố, rất nhiều thứ nhưng cuối cùng nó vẫn là một món ăn mang tên thắng cố. Món thắng cố được làm từ một người “nhà quê - người mạn ngược thị thành” vừa cho thấy sự thông thái, tinh khôn, khéo léo vừa lịch duyệt ở từng chi tiết, cử chỉ, động thái nhỏ trở đi...

Phạm Nguyễn

 
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN