Bài ca bên cánh sóng

Nguyễn Đức Toàn (ảnh) được biết đến là nhạc sĩ nhiều hơn là họa sĩ. Nhiều tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc, trong đó có những ca khúc viết về biển như: Chiều trên bến cảng, Tình em biển cả.


 

Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…


Tác giả của “Chiều trên bến cảng” có nụ cười hiền, như tính ông vẫn vậy: hồn hậu và dễ mủi lòng.


Tâm tính ấy ảnh hưởng không nhỏ đến các tác phẩm âm nhạc, nhiều bài hát ông được viết từ cảm xúc chợt đến, có khi là sự rung cảm mãnh liệt và mang cả đau đớn của trái tim đến nay đã bị suy ở độ ba.


Năm 1973, khi đi cùng Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính vào miền Nam, chuyến đi định mệnh ấy đồng chí Đặng Tính đã hy sinh khi xe ô tô vướng mìn ở Pắc Xế, thuộc địa phận Lào giáp Thái Lan. Tác giả của ca khúc nổi tiếng “Trước ngày hội bắn” Trịnh Quý cũng mất trong chuyến đi này. Nguyễn Đức Toàn vì ngồi xe khác cùng với Chế Lan Viên đã may mắn thoát chết. Nước mắt Nguyễn Đức Toàn đã rơi, đau đớn như mất đi người thân. 


Ông lặng lẽ gom xác người Chính ủy, cùng cả đoàn quay trở ra Hà Nội. Trên đường ra cũng là lúc cả đoàn nhận được tin Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh. “Người chiến sĩ chết trước buổi bình minh”, ông gọi thành tên về sự mất mát đó như vậy.


Có chiến thắng nào không trả bằng hy sinh mất mát. Niềm vui hôm nay phải đánh đổi bằng bao xương máu con dân đất Việt. Khi nhìn lên bầu trời thấy ánh sáng chói lòa, con đường trở ra rẽ sang trái là biển. Biển ngoài kia vẫn lấp lóa, biển mà ông đã gắn bó suốt bao năm trong những chuyến đi ngắn dài cùng các chiến sĩ hải quân đã khiến sóng nhạc trong ông cuộn chảy.


“Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay/Non nước mây trời lòng ta mê say/ Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát/Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát…Biển sóng mênh mông màu xanh yêu thương/Đất nước quê hương lộng gió muôn phương/Những câu hát về hòn đảo xa hùng vĩ…”. Nỗi đau thương đã hóa thành niềm tin ngày hòa bình của đất nước tươi đẹp, để thấy những đoàn thuyền lại rong buồm ra khơi “chạy theo dòng cá”, “Náo nức lòng trai ngày đi biển xa”.


Bài hát “Tình em biển cả” đã hình thành ngay trên đường ra Hà Nội với nhiều cung bậc cảm xúc mà cho đến hôm nay người nhạc sĩ đã bước sang tuổi 86 vẫn không hiểu vì sao mình có thể viết được những lời ca và khuông nhạc ngay lúc bấy giờ như vậy. Nhưng ông vẫn tin rằng, mỗi tác phẩm hội họa, văn chương hay âm nhạc có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả đều có đời sống riêng của nó. Sức sống lâu bền của tác phẩm cũng bởi sự đặc biệt của đời sống thực và đời sống tinh thần tạo nên.


Đêm trăng huyền ảo


Hơn bốn mươi năm công tác tại Tổng cục Chính trị, thì một phần ba thời gian đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn gắn đời mình với các chiến sĩ hải quân, theo các chuyến tàu đi sáng tác. Căn cứ hải quân ngày trước đóng ở Hài Phòng, vùng đất ấy, vùng biển ấy vì vậy trở nên quen thuộc, thân thiết như những miền đất gắn với cuộc đời mình: Bắc Ninh - quê hương ông và Hà Nội - nơi ông sinh ra, lớn lên và sinh sống đến bây giờ.


Những ngày sống cùng lính biển, khi những chuyến tàu rẽ sóng ra khơi, chứng kiến những cuộc chia ly và đoàn tụ, người nhạc sĩ hiểu thế nào là nỗi buồn xa cách và niềm vui ngày gặp mặt. “Nơi bến cảng, tiếng còi tàu là tín hiệu rõ ràng và ấn tượng nhất. Dù nó vang lên mỗi ngày, nhưng nghe tiếng còi tàu, mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau. Mà cũng chỉ những người ở đó, trong giây phút đó mới có thể hiểu được. Nhưng có lẽ, âm thanh ấy là nỗi buồn hiu hắt nhất đối với những người ở lại trông ngóng người đi xa”, ông nói.


Sự hy sinh của những người lính hải quân ngày đêm canh giữ biển quê hương không gì đo đếm được. Trách nhiệm đặt lên vai họ, trao cho họ sứ mệnh cao cả. Theo họ những chuyến đi dài, ông thấu hiểu nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân, nhiều lúc là sự cô độc của người lính biển trên con tàu.


“Tôi gọi đất nước mình là đất nước của biển. Dư địa ưu việt với đường bờ biển chạy dài dọc theo đất nước đã cho nước ta một vẻ đẹp tự nhiên hiếm có. Đối với văn nghệ sĩ, biển luôn đẹp, êm đềm, mênh mông, bầu trời và biển là hai không gian trong sáng gợi nhiều cảm xúc. Thế nên dễ hiểu những bài hát về biển thường hay”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nói.

Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó, sự hy sinh của những chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ biển, những nỗ lực phi thường bởi những khó khăn gian khổ mà họ phải đối mặt đã khiến trái tim người nghệ sĩ rung lên mạnh mẽ. Cảm xúc trong ông cồn lên như những lớp sóng. Sau này trong một chuyến đi cùng hải quân ở vùng biển Hải Phòng, ông đã sáng tác ca khúc “Chiều trên bến cảng”. Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm đầu tiên bài hát ấy. Ca sĩ Ngọc Tân khi biểu diễn ca khúc đã đạt giải thưởng lớn tại Đức. Cùng với “Tình em biển cả”, “Chiều trên bến cảng” được nhiều yêu thích và nhiều ca sĩ tên tuổi các thế hệ thể hiện.


Qua hai bài hát “Tình em biển cả” và “Chiều trên bến cảng”, có thể thấy tình yêu thương đất nước của tác giả Nguyễn Đức Toàn như “Biển rộng mênh mông” với “những ngọn hải đăng rực rỡ chiến công”.


“Năm 1978, khi đi thực tế cùng nhà thơ Cù Huy Cận, đêm ấy sáng trăng. Trong mênh mông như vô cùng của đại dương, không gian yên tĩnh có thể nghe thấy hơi thở của chính mình, một cảnh sắc huyền ảo trải ngay trước mắt. Ánh trăng trên biển mang vẻ đẹp lạ kỳ, biển một màu xanh tím”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn kể.


Nhà thơ Huy Cận cũng ngỡ ngàng không kém khi tận mắt nhìn màu sắc huyền ảo đó. Ông nói với Nguyễn Đức Toàn: -Đố anh vẽ được. Nguyễn Đức Toàn lúc ấy chỉ biết lắc đầu: -Không thể vẽ được. Khung cảnh này, khoảnh khắc này chỉ ở nơi đây mới có, không lặp lại. Và chắc chắn khung cảnh này chỉ có những thủy thủ mới biết.


Bao nhiêu năm cầm cọ, Nguyễn Đức Toàn cũng không biết phải giải thích điều này thế nào. Nhưng với ông, không vẽ được thì sáng tác nhạc. Ca khúc “Chiều trên bến cảng” đã ra đời trong chuyến đi đó. Và cũng bởi bài ca được viết dưới cái nhìn của người họa sĩ nên bài hát không chỉ đẹp về lời ca, điệu nhạc mà còn như một bức tranh. Trong đó, tác giả vẽ lên câu chuyện tình tuyệt đẹp của một chàng ngư dân “ra khơi theo mùa cá biển” và cô kỹ sư địa chất “lên rừng theo tiếng sáo nai”. Họ, sau bao lần chia tay, lại thấy gần nhau hơn khi gặp mặt. Và hơn hết, họ mang trong mình lý tưởng cao đẹp từ ngàn xưa của dân tộc: “Đã chiến đấu cho ngày nay/Đã hy sinh cho ngày mai/Vì nhân dân là lẽ sống”.

 

Với những tác phẩm: “Tình em biển cả”, “Chiều trên bến cảng”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Đào công sự”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Quê em miền trung du”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.


Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN