Từ đó hình thành những nền tảng, hệ sinh thái dịch vụ số để phục vụ chuyển đổi số trên toàn quốc, đáp ứng chiến lược quốc gia về kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
“Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, tự lực tự cường và làm chủ ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng, bao gồm thiết bị hạ tầng viễn thông, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn và công nghiệp quốc phòng, khí tài quân sự”, đại diện Viettel cho biết.
Phấn đấu đến năm 2025 Viettel cơ bản hoàn vốn đầu tư ra nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, trở thành cầu nối về quan hệ ngoại giao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các sản phẩm, giải pháp của Viettel sẽ được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, không chỉ các nước Viettel đầu tư mà sẽ tiến vào các quốc gia công nghệ phát triển hay quy mô dân số đông nhất thế giới. “Xây dựng thành công hạ tầng logistics quốc gia như: Công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hệ thống chuỗi cung ứng, đường sắt liên vận quốc tế. Viettel sẽ là doanh nghiệp nhà nước chủ lực thực hiện định hướng chiến lược của Chính phủ coi ‘bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu quốc gia’, ‘đảm bảo dòng chảy vật chất tương đương dòng chảy dữ liệu’”, đại diện Viettel chia sẻ.
Mới đây, Viettel đã tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập (1.6.1989 - 1.6.2024). Tại buổi lễ, Viettel được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất theo quyết định số 439/QĐ-CTN ngày 21.5.2024. Trước đó Viettel đã đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2019, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014, danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2007.
Trải qua 35 năm kinh doanh, Viettel đã phát triển lĩnh vực kinh doanh ở 4 trụ chiến lược: Viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài, Giải pháp Công nghệ thông tin, Công nghiệp – Công nghệ cao, Logistics – Thương mại điện tử.
Lũy kế trong 35 năm qua, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 540 nghìn tỷ đồng. Viettel luôn là doanh nghiệp hàng đầu trong đóng góp cho ngân sách, lũy kế đến nay đạt hơn 433 nghìn tỷ đồng.
Qua 35 năm, Viettel đã tạo nên được nhiều dấu ấn. Viettel đã xây dựng nền tảng hạ tầng viễn thông lớn và hiện đại với hệ thống đường trục cáp quang đủ quấn 9 vòng quanh trái đất, hạ tầng kết nối vạn vật, hạ tầng mạng 5G và các trung tâm dữ liệu sẵn sàng cho phát triển trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, Viettel tạo ra hệ thống sản phẩm đột phá, xây dựng nhiều nền tảng ứng dụng giải pháp trong lĩnh vực tài chính, y tế, giáo dục, giao thông, logistics, các trung tâm điều hành đô thị thông minh, đóng góp tích cực vào chiến lược chuyển đổi số Quốc gia.
Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động đầu tư nước ngoài đạt hơn 3 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD. Từ vị trí đến sau, Viettel vươn lên dẫn đầu ở 7/10 thị trường, ở cả 3 châu lục Á, Phi, Mỹ La-tinh.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn – Thiếu tướng Tào Đức Thắng khẳng định: Chặng đường 35 năm của Viettel nằm trọn vẹn trong dòng chảy lịch sử gần 40 năm đất nước đổi mới. Viettel tự hào là nhân tố tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành và của đất nước. Việt Nam, trong đó có Viettel, đang song hành với thế giới trên con tàu cách mạng công nghiệp 4.0.
“Chúng tôi sẽ quyết tâm, nỗ lực dựng xây Viettel, song hành cùng đất nước người dân, góp phần cùng Chính phủ phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trở thành một Tập đoàn chủ lực trong 2 cuộc chuyển đổi lớn của thời đại là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn bày tỏ.
Từ một công ty nhỏ bé chuyên làm thuê, xây lắp công trình viễn thông cột cao, với một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe u-oát và 10 con người, sau 35 năm, Viettel đã trở thành công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, một Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước với giá trị thương hiệu gần 9 tỷ USD, thương hiệu đứng số 1 ở Đông Nam Á, thứ 15 trên bảng xếp hạng 150 nhà mạng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu.