Người trẻ tận hưởng cuộc sống, thiếu chuẩn bị cho sau này
Cuộc sống của người trẻ ngày nay đã tốt hơn nhiều so với các thế hệ trước. Do vậy, người trẻ cũng “chịu chi” nhiều hơn cho những hàng hoá, dịch vụ đắt đỏ.
“Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi lối sống rất nhanh, họ ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho những khoản mục lớn nhằm mục đích nâng cấp đời sống. Điều này phản ánh mong muốn mạnh mẽ của người tiêu dùng về một cuộc sống tốt đẹp hơn” – Nielsen nhận định vào 5 năm trước từ báo cáo về Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng.
Chính vì thế, ngưỡng 30 đối với nhiều người được xem là giai đoạn sung sức tập trung phấn đấu cho sự nghiệp và cuộc sống để có thể sống trọn với hiện tại. Mặc nhiên người ta cũng nghĩ rằng mình còn rất nhiều thời gian và quá sớm để phải chuẩn bị cho tuổi già.
Như chị Bùi Mai Lan (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), nhờ sở hữu thu nhập tốt nên chị dành nhiều ưu tiên để tận hưởng cuộc sống độc thân và chưa nghĩ nhiều đến tuổi già.
“Mình lên kế hoạch mỗi năm dành một tỉ lệ nhất định trong thu nhập cho một chuyến du lịch, kiểu du lịch tận hưởng chứ không phải du lịch nhanh, nên cũng là một khoản khá”, chị Lan chia sẻ.
Cùng với việc tiếp cận và tận hưởng cơ hội sống tốt hơn thì người trẻ có xu hướng sợ đối mặt với tuổi già cùng những vấn đề áp lực của xã hội hiện đại, chủ yếu liên quan đến an sinh xã hội như y tế, giáo dục. Cho nên việc thiếu chủ động trong hành trình chuẩn bị cho tuổi già độc lập sau này cũng là điều dễ hiểu
Việt Nam đang già đi quá nhanh
Xu hướng người trẻ chọn sống độc thân, hoặc chỉ sinh một con đã liên tục kéo giảm tỷ suất sinh ở Việt Nam trong những năm gần đây, hiện ở mức 2,09 con/phụ nữ. Ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai có mức sinh rất thấp. TP Hồ Chí Minh chỉ có 1,53 con/phụ nữ, mức thấp nhất cả nước.
Tỷ suất sinh thấp rõ ràng sẽ là điều kiện để những đứa trẻ được chăm sóc, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn. Mặt khác, vấn đề này lại khiến Việt Nam tiến gần hơn đến già hoá dân số.
Hiện tại, nước ta đã đi được khoảng một nửa chặng đường của thời kỳ dân số vàng, trong khi tốc độ già hoá dân số của Việt Nam nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển với 20 năm. Trong khi đó, Nhật Bản cần đến 26 năm, Mỹ 69 năm, Thụy Điển 85 năm... để tiến tới giai đoạn dân số già.
Một khảo sát khác trên 69.000 người ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện hồi tháng 8/2021 cho thấy, trong số hơn 42.700 người bị mất việc làm do dịch COVID-19 thì gần 50% trong số đó có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới một tháng. Rõ ràng họ chưa có kế hoạch tài chính dự phòng trong ngắn hạn chứ chưa nói đến chuẩn bị tài chính khi về già.
Nền tảng và hành trang cho tuổi già độc lập
Quá trình già hóa dân số tại Việt Nam được dự kiến sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Do đó, viễn cảnh một Việt Nam già hoá là lẽ hiển nhiên mà chúng ta đang phải đối mặt. Mặt khác, Việt Nam sẽ không còn nhiều thời gian để chuyển từ giai đoạn “già hoá dân số” sang “dân số già”. Trong khi lực lượng lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn sung sức nhất, nhưng nhìn chung thì điều kiện xã hội, mức sống lại chưa phải tốt nhất.
Theo kịch bản này, nếu không kịp thời có chính sách đón đầu, chuẩn bị thích nghi với xã hội dân số già thì chưa đến 15-20 năm nữa, những người trẻ hôm nay sẽ gánh trên vai rất nhiều áp lực, đó là trách nhiệm với bố mẹ già và với chính bản thân mình cũng đang về già.
Do vậy, bên cạnh các chính sách vĩ mô từ Chính phủ chuẩn bị cho sự thích ứng với xã hội “già hoá”, cần sự chủ động của mỗi người dân có kế hoạch cho bản thân khi về già. Thế hệ “còn trẻ” nên bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ và hành động vì một tương lai chủ động có những biện pháp đối mặt với khó khăn về tài chính và sức khỏe lớn hơn khi tuổi già ập đến.