Trên quê hương Hòn Kẽm - Đá Dừng hôm nay

Hòn Kẽm - Đá Dừng là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng xứ Quảng, thuộc huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), là vùng đất nghĩa tình, giàu truyền thống cách mạng. Vùng đất kiên trung, con người hiền hòa mến khách này đang thay da đổi thịt từng ngày theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, sản xuất hàng hóa, tập trung khai thác thế mạnh của huyện về phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, kinh tế rừng và chăn nuôi gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. 

Từng bước hoàn thiện hạ tầng trên vùng chiến khu năm xưa

Ông Thái Bình, Bí thư Huyện ủy Nông Sơn cho biết, để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, huyện chú trọng huy động, lồng nhiều nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh để xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đến nay, tất cả các địa phương trong huyện đều có đường bê tông đến tận thôn xóm, khu dân cư, thế cô lập ở những làng xa xôi cách trở đã được xóa bỏ hoàn toàn. Đặc biệt, cầu Nông Sơn mới được xây dựng, đáp ứng mục tiêu kết nối thông suốt tuyến quốc lộ 14H với đường Trường Sơn Đông, cũng như nhu cầu vận tải, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương. Cầu Nông Sơn mới hoàn thành đã giải quyết việc đi lại cho các phương tiện được thuận lợi, từ nay các phương tiện đi qua cầu không còn phải bị hạn chế tải trọng, tạo thêm một lựa chọn tuyến đường để lưu chuyển hàng hóa mà lâu nay không thực hiện được do bị hạn chế bởi cầu cũ bị xuống cấp.

Chú thích ảnh
Cầu Nông Sơn kết nối quốc lộ 14H với đường Trường Sơn Đông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện Nông Sơn sẽ tiếp tục phát huy vai trò của chủ thể trong xây dựng NTM, chú trọng lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các hạng mục giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng NTM. Địa phương nỗ lực khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trong xây dựng NTM, đưa Nông Sơn đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025. Đến nay, toàn huyện đạt 103 tiêu chí, bình quân 17,2 tiêu chí/xã, Phước Ninh đảm bảo về đích  năm 2021. 

Theo đó, trong năm 2022 này, Nông Sơn sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, đầu tư các công trình trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình đầu tư công, nhất là công trình chuyển tiếp từ năm 2018 đến nay và các công trình mới năm 2021, 2022 đảm bảo chất lượng, mỹ thuật công trình, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Giải ngân nguồn vốn chương trình, dự án, vốn đầu tư công đạt kế hoạch. 

Phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, kinh tế rừng và chăn nuôi gắn với phát triển du lịch. 

Nông Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược, có điều kiện liên kết với các trung tâm du lịch; có nhiều địa danh, cảnh đẹp nổi tiếng, còn lưu giữ màu sắc lễ hội văn hóa, tâm linh. Vì vậy, huyện cần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần giàu lòng mến khách trong nhân dân; có giải pháp cụ thể, hấp dẫn hơn để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: Trong giai đoạn hiện nay và những năm đến, Nông Sơn đã và đang tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nhân dân xây dựng và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất nguyên liệu, nhân rộng vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bảo tồn giá trị thương hiệu vùng trồng cây ăn quả bản địa gắn với đặc trưng riêng của làng văn hóa Đại Bình, xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng, đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ các mặt hàng nông sản bản địa, tăng thu nhập cho người dân.  

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ huyện Nông Sơn chiếm 85% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp 15%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân từ 9-11%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5-7%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 9-11%/năm, thương mại - dịch vụ 11-13%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hằng năm đạt 250 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn dưới 2%, 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% trường đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Riêng trong năm 2021 vừa qua, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song tổng giá trị sản xuất của huyện Nông Sơn đạt trên 1.476 tỷ đồng, đạt gần 99% chỉ tiêu kế hoạc đề ra.

Phát triển mạnh kinh tế vườn kết hợp với trang trại, gia trại, trồng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, cây ăn quả, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân được Nông Sơn xác định là hướng tiếp cận cụ thể để giảm nghèo bền vững. Trong 10 năm qua, từ nhiều kênh vốn huy động, huyện đã chi hơn 26 tỷ đồng hỗ trợ người dân mua các loại giống cây trồng, vật nuôi, trang thiết bị máy móc để phát triển mô hình. Nhờ vậy đến nay huyện Nông Sơn có 2.825 vườn với tổng diện tích hơn 350ha. Những khu vườn này còn mở ra triển vọng lớn trong thu hút khách du lịch sinh thái khi dịch COVID-19 được đẩy lùi.

Phát huy lợi thế của mình, Nông Sơn đang từng bước phát triển mạnh diện tích rừng nguyên liệu. Bên cạnh diện tích trồng rừng tập trung bình quân của huyện là 4.000ha/năm, diện tích trồng keo nguyên liệu đạt gần 7000 ha, bình quân mỗi năm khai thác khoảng 1.500ha, năng suất 50m3/ha, khối lượng khoảng 70.000m3. Về trồng rừng gỗ lớn, trong 2 năm qua toàn huyện đã trồng trên 120 ha. Trong năm 2021 Nông Sơn trồng thêm 100 ha rừng gỗ lớn, đạt 100% kế hoạch và dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo. 

Chú thích ảnh
Ảnh: Điện lực Quảng Nam cải tạo nâng cấp lưới điện về vùng sâu vùng xa huyện Nông Sơn.

Thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, khôi phục nhanh, bền vững các hoạt động kinh tế - xã hội

Đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của huyện Nông Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết: Nông Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược, có điều kiện liên kết với các trung tâm du lịch, các điểm du lịch Duy Xuyên, Hội An, tiếp nối với đường Trường Sơn Đông... Huyện còn có nhiều địa danh, cảnh đẹp nổi tiếng, còn lưu giữ màu sắc lễ hội văn hóa, tâm linh. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần giàu lòng mến khách trong nhân dân. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh, có giải pháp cụ thể, quyết liệt, hấp dẫn hơn để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng, thu hút nhiều du khách đến với Nông Sơn. Để làm được điều này, Nông Sơn cần tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nhân dân xây dựng và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất nguyên liệu; nhân rộng vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, giảm diện tích trồng keo. Bảo tồn giá trị thương hiệu vùng trồng cây ăn quả bản địa gắn với đặc trưng riêng của làng văn hóa Đại Bình, xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ các mặt hàng nông sản bản địa. 

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết: Đảng bộ huyện Nông Sơn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm 85% trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp 15%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân từ 9-11%/năm và đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Trước mắt, căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của tỉnh, Nghị quyết của Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; các đơn vị và địa phương tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ trách nhiệm và tổ chức thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID, nhất là thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo cấp trên. Tiếp tục theo dõi, triển khai linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19; kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống bước vào trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và UBND tỉnh Quảng Nam. 

Mặt khác, Nông Sơn tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch nông thôn mới, xây dựng đề án phát triển sản xuất, rà soát lại các diện tích đất bị bỏ hoang, đất sản xuất không hiệu quả, đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất, để lập phương án chuyển đổi sản xuất các loại cây trồng cho phù hợp, có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, cần tuyên truyền vận động nhân dân ưu tiên trồng các loại rau, cây ăn quả bản địa của địa phương, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao để xây dựng các chuỗi giá trị, sản phẩm ocop cung ứng ra thị trường. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện Nông Sơn còn đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chương trình OCOP; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tại nông thôn gắn với bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh. Triển khai lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế có hiệu quả. Hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất kinh tế vườn kinh tế trang trại theo Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gắn với phát triển du lịch, Đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 khi được duyệt. Thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo đạt kế hoạch được giao.

Tập trung xây dựng xã nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 huyện Nông Sơn cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp; thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; quản lý bảo vệ tài nguyên lâm, khoáng sản trên địa bàn huyện.  
Tiếp tục tập trung triển khai các dự án đầu tư để hoàn thiện mặt bằng, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại Cụm công nghiệp Nông Sơn; thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án Khu phố chợ trung tâm huyện. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

Vùng chiến khu năm xưa đang đổi thay từng ngày. Nông Sơn đang tiếp tục triển khai đồng thời 3 nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn, hướng đến mục tiêu xóa nghèo một cách bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đang nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Bài và ảnh: Quốc Quân
Tiền Giang: Công nhận huyện Gò Công Tây đạt chuẩn nông thôn mới
Tiền Giang: Công nhận huyện Gò Công Tây đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 139/QĐ-TTg công nhận huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN