Sáng tươi vùng miền núi Quảng Bình

Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên toàn địa bàn nói chung, vùng miền núi nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cấp ủy, chính quyền ở tỉnh Quảng Bình. Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, các huyện, ban ngành, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ nhân dân giảm nghèo hiệu quả.

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch xã của NHCSXH ở huyện Minh Hóa.

Tại miền đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” này, ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH Quảng Bình với sự chân tình, cởi mở, trực tiếp dẫn chúng tôi đến thăm các hộ đồng bào vay vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế gia đình ở huyện miền núi biên giới Minh Hóa giáp nước bạn Lào. Ông Hồ Thân, dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Tà Vòng, xã Trọng Hóa, đã qua hai lần vay vốn và sử dụng vốn chính sách nuôi một đàn bò béo mộng 10 con, trồng 1 ha ngô lai, phủ kín cả quả đồi bằng các cây bưởi Phúc Trạch, cam Vinh. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hồ Thân hồ hởi nói: “Chưa bao giờ miềng thấy bản làng cũng như đời sống của bà con dân tộc ít người có sự đổi thay lớn như hôm nay. Từ cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng lúa rẫy bấp bênh, hiện giờ đồng bào đã biết nuôi thêm con bò, con dê đặc biệt còn biết trồng rừng kinh tế, nhiều cây ăn quả đặc sản….nên cuộc đời tươi sáng hẳn lên, con em ở vùng núi cao được đến trường học cái chữ. Dân miềng rất phấn khởi và cảm ơn nhiều sự giúp đỡ tận tình của ngân hàng chính sách xã hội huyện lắm”.

Còn gia đình bà Đinh Thị Xoan, dân tộc Chứt sinh sống tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, đã sử dụng vốn chính sách trồng được 5 ha cây mắc ca, nuôi được 17 con bò mẹ lẫn bê con và 35 con lợn rừng, hàng năm thu lời hơn một trăm triệu đồng nên đã trả nợ hết tiền vay ngân hàng trước kỳ hạn và trở thành gia đình sản xuất kinh doanh tiêu biểu nơi vùng cao biên giới Quảng Bình. Bà Xoan xúc động nói: “Gần 20 mùa rẫy rồi, cán bộ tín dụng chính sách đã mang tiền của Chính phủ về tận trụ sở UBND xã cho dân nghèo bản miềng vay rất tận tình, chu đáo đấy”.

Có lên miền núi cao Quảng Bình trong những ngày này mới thấy hết và rõ ràng ý nghĩa từng việc làm và con người của NHCSXH đang bền bỉ chuyển tải đồng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước về tận thôn bản hẻo lánh, đến từng hộ nghèo và từng gia đình đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, Chứt, Rục, Aren… để giúp các đối tượng chính sách có vốn kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định, cải thiện cuộc sống người dân

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi bò hiệu quả từ nguồn vốn chính sách ở huyện Minh Hóa.

Người dân bên dãy Trường Sơn nhớ như in hình ảnh cán bộ tín dụng chính sách trong trang phục áo hồng cánh sen quen thuộc từng lội bộ 6,7 cây số đường rừng lầy lội bùn đá, để vào tận các vùng quê dọc vành đai biên giới Việt Lào để rà soát, xác minh chính xác các khoản thiệt hại từ vốn vay chính sách do bão lũ và dịch bệnh COVID-19 gây ra, từ đó lập hồ sơ lên cấp có thẩm quyền xử lý nợ rủi ro, có tính đến phương án giãn nợ, khoanh nợ cho những hộ nghèo, những gia đình đồng bào khó khăn, đồng thời kịp thời bổ sung nguồn vốn chính sách cho vùng miền núi dân tộc. Giám đốc NHCSXH từ tỉnh đến huyện thường xuyên xuống tận Điểm giao dịch tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy… trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tập trung ưu tiên nguồn vốn từ thu hồi nợ cũ, cùng với nguồn vốn mới bổ sung nhằm giúp việc giải ngân nhanh chóng, thuận lợi tới tận tay đồng bào dân tộc gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh…

Dòng chảy vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước về tận thôn bản khó khăn không những giúp các hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khôi phục, phát triển sản xuất mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, hăng hái lao động, trồng rừng kinh tế, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm thương phẩm, phát triển kinh tế gia đình.

Khẳng định những hiệu quả của đồng vốn từ NHCSXH đối với việc xóa đói giảm nghèo ở vùng cao biên giới, ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Minh Hóa cho biết: Hơn 420 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi đã lồng ghép với các chương trình dự án khác đã đầu tư giúp địa phương mỗi năm giảm được khoảng 4% hộ nghèo và sớm đưa miền núi cao hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Từ miền núi cao Minh Hóa nhìn rộng ra cả khu vực miền núi Quảng Bình, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần không còn hộ đói trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4-5%/năm, số hộ có thu nhập khá trở lên tăng không ngừng. Đơn cử đến nay, toàn khu vực có gần 1.000 hộ đồng bào đạt danh hiệu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có trên 500 hộ thu nhập trên 30 triệu đồng/hộ/năm, gần 75% số dân miền núi được dùng nước sạch.

Theo ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình, để đạt được những thành tích đó, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc giảm nghèo ở vùng miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Trên cơ sở đó, NHCSXH đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho vùng miền núi dân tộc, đầu tư trực tiếp có trọng tâm, trọng điểm. Vốn ưu đãi đã phủ kín vùng miền núi Quảng Bình. Hiện đã có 100% gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vay gần 1.000 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH Quảng Bình phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Minh Uyên
Chặng đường 19 năm giúp dân xóa nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình
Chặng đường 19 năm giúp dân xóa nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình

Trong thành quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020 ở tỉnh Quảng Bình, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giữ vai trò là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn địa bàn xuống 3,5% (9/2021).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN