Ngày 4/10/2023 tập đoàn Sandoz đã tách thành công khỏi Novartis và nay Sandoz Việt Nam cũng sẽ hoạt động với tư cách pháp nhân riêng, tương tự nhiều chi nhánh Sandoz khác trên toàn thế giới.
Đây là một cột mốc quan trọng cho hoạt động độc lập của Sandoz tại Việt Nam. Đánh dấu sự kiện này, công ty đã ký kết một Bản ghi nhớ (MOU) với một trong những bệnh viện chuyên khoa ung bướu hàng đầu Việt Nam.
Ông Charaf Eddine Kadri, Tổng Giám đốc Sandoz Việt Nam chia sẻ: “Trên năm triệu bệnh nhân Việt Nam đang sử dụng sản phẩm của Sandoz mỗi năm và hàng triệu ca bệnh ung thư tại Việt Nam hiện được chữa trị bằng dược phẩm của Sandoz tại hệ thống bệnh viện công trên toàn quốc. Sản phẩm của chúng tôi hiện có tại tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc và là lựa chọn có thể cân nhắc dành cho các bệnh viện trong nước nhằm điều trị bệnh ung thư”.
Bản ghi nhớ giữa Sandoz Việt Nam và bệnh viện xây dựng dựa trên nền tảng vững chắc này và nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế tại Bệnh viện, đồng thời tăng cường liên kết và hợp tác giữa các tổ chức, chuyên gia ung bướu trong nước và quốc tế. Qua đó, các bên sẽ thực hiện nhiều hoạt động đào tạo và huấn luyện y tế nhằm phục vụ lợi ích bệnh nhân và cộng đồng người dân Việt Nam.
Sandoz Việt Nam có khoảng 140 nhân viên công tác tại ba địa điểm trên toàn quốc, cung cấp 82 mã hàng dược phẩm tại Việt Nam. Đặc biệt trong số đó có 5 mã hàng thuốc sinh học tương tự không chỉ được cơ quan chức năng cấp phép toàn diện trong nước, mà còn được cung cấp tại 100 quốc gia trên toàn cầu, gồm cả những thị trường được quản lý chặt chẽ ở châu Âu và Hoa Kỳ.
“Là một công ty dược phẩm, Sandoz luôn đi tiên phong trên toàn cầu trong lĩnh vực tiếp cận thuốc cho bệnh nhân. Chúng tôi phát huy và đề cao sứ mệnh này tại Việt Nam, với trọng tâm là giúp bệnh nhân tiếp cận dễ dàng với các loại dược phẩm và các phương thức điều trị tiêu chuẩn quốc tế có giá cả phải chăng”, ông Kadri nhấn mạnh.
Thuốc tên gốc và thuốc sinh học tương tự là những sản phẩm theo sau các thuốc đã mất sự độc quyền hoặc bằng sáng chế hết hạn, ước tính chiếm khoảng 80% lượng thuốc được sử dụng trên toàn thế giới và khoảng 25% tổng chi phí.