Tính đến ngày 31/3/2022, tổng huy động vốn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 234 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với 31/12/2021, với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.
Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, cung ứng và phân phối; chương trình tín dụng xanh... Song song, HDBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân, miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Với các chương trình kinh doanh sôi nổi ngay từ quý đầu năm, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.122 tỷ, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập thuần từ dịch vụ tăng trên 94% với đóng góp chính từ mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và dịch vụ thanh toán, cho thấy dư địa tăng trưởng còn nhiều.
Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với chỉ số chất lượng.
Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%, tỷ lệ thấp trong ngành. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 14,2%. Chi phí hoạt động được tối ưu giúp hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) đạt 37,6% tốt hơn mức 39,1% của quý I/2021, cho thấy rõ hiệu quả của các chương trình tự động hóa và số hóa công tác vận hành.
Mới đây, HDBank đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 và Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì những thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua ngành ngân hàng.
Đại hội Cổ đông HDBank vừa qua đã thông qua kế hoạch tiếp tục tăng trưởng cao về cả quy mô và chất lượng theo chiến lược mới thông qua, đưa ngân hàng vào giai đoạn phát triển đổi mới và hội nhập.