Kinh tế phục hồi, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh
Trong quý I/2022, bức tranh kinh tế đã có gam màu sáng khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của cùng kỳ năm 2021 và 3,66% cùng kỳ năm 2020. Kinh tế dần hồi phục, “sức khỏe” doanh nghiệp đang được cải thiện giúp dòng vốn được lưu thông hiệu quả.
Đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, dịch bệnh đã giảm bớt và các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất kinh doanh tích cực, người dân cũng đang trở lại cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn lúc này tăng khá cao.
Mục tiêu tăng tín dụng 2022 là 14%. Tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%. Nếu so với mức tăng 2,16% của quý 1/2021 thì con số trên là tín hiệu khả quan. Tốc độ tăng tín dụng cao gấp 2,3 lần năm ngoái chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực, các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả.
Đồng thời, doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I ước đạt 438 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tín hiệu tích cực cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
FE Credit với cú lội dòng ngoạn mục từ đầu năm 2022
Là công ty đứng đầu thị phần tín dụng tiêu dùng, sau khi trải qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19, FE Credit đã lấy được đà hồi phục và ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu lãi thuần trong quý I/2022 cải thiện so với hai quý trước nhờ tổng dư nợ cho vay khách hàng 76.638 tỷ đồng, tăng 16,2% so với quý trước và 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời với những nỗ lực tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn thì chỉ tiêu COF của công ty đã giảm từ 7,4% trong quý I/2021 xuống 6,1% trong quý này. Chi phí rủi ro cũng giảm đáng kể so với các quý trước và được kiểm soát chặt chẽ để thích ứng với ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19. Kết thúc quý I/2022, FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 800 tỷ đồng và vượt kết quả cả năm 2021.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc ngân hàng VPBank cho biết, FE Credit đã trở thành công ty tài chính có 49% vốn nước ngoài do SMBC sở hữu. Sau một năm khó khăn vì dịch bệnh, hoạt động của công ty đã có sự hồi phục tích cực thời gian gần đây.
Cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của FE Credit tăng lên 13% trước ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần khởi sắc, có thể kỳ vọng đưa NPL xuống mức trước đại dịch, tức dưới 6%.
Trong quý đầu năm, công tác thu hồi nợ cũng được cải thiện, trừ tháng 2 bị ảnh hưởng yếu tố mùa vụ và nghỉ Tết Nguyên Đán. Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục được củng cố trong những tháng tiếp theo, chỉ trừ khi có các biến cố bất thường ảnh hưởng sâu rộng tới toàn nền kinh tế.
Được biết, năm 2022 FE Credit đặt mục tiêu tăng trưởng khoản phải thu ròng cuối cùng 10-12% và lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000- 5.000 tỷ đồng. Để làm được điều này, công ty sẽ tăng cường tập trung vào tệp khách hàng tốt trở lên và cung cấp khoản vay cho họ thông qua ngân hàng số, tích hợp mở tài khoản Übank cho tất cả khách hàng mới với các sản phẩm miễn phí và tận dụng hạn mức tín dụng để liên tục mang lại cơ hội tăng hạn mức còn lại của khách hàng. Đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch có tính cá nhân hóa cao để đưa khách hàng vào hệ sinh thái của FE Credit.
Công ty sẽ tăng cường kênh bán hàng trực tiếp để tiếp cận người lao động của các doanh nghiệp đã đăng ký và doanh nghiệp phi chính thức để tạo cơ sở cho vay theo lương. Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung vào số hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm khách hàng đặc thù như người hưu trí, người lao động nhập cư và mở rộng quy mô khách hàng tiềm năng thông qua hợp tác với Zalo, Viettel và các nền tảng viễn thông khác
Cùng với đó, FE Credit tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng hình ảnh thương hiệu, gia tăng mức độ tin cậy và trung thành của cộng đồng đối với thương hiệu.