Vợ chồng anh Trịnh Văn Mận sinh năm 1985 và chị Nguyễn Thị Quyên sinh năm 1989, Đội 2 tổng đội TNXP5 xã Thanh Thủy, là gương điển hình khát vọng vươn lên thoát nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH huyện.
Trước năm 2017 gia đình anh Mận chỉ trông chờ vào việc nuôi ít con gà, mấy sào chè nhưng do giá cả bấp bênh lên xuống nên kinh tế gặp nhiều khó khăn, không có vốn để sản xuất. Kịp thời lúc đó, tổ TK&VV thuộc Đoàn thanh niên xã Thanh Thủy bình xét đề nghị Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư chăn nuôi bò và trồng keo. Đợt đầu nuôi 2 con bán được 48 triệu đồng, lãi được 24 triệu đồng. Thấy có lãi, nên vợ chồng anh tiếp tục mua thêm 2 con bò nữa về nuôi và tận dụng đất trồng keo để chăn thả. Vợ chồng anh Mận còn tận dụng diện tích đồi rừng, nguồn thức ăn dồi dào còn chăn nuôi thêm gà, lợn để vừa có thu nhập vừa cải thiện sinh hoạt hàng ngày.
Năm 2020 đến hạn trả vốn vay, gia đình đã trả hết nợ và tiếp tục vay lại để đầu tư trồng 3 ha chè; 2 ha keo; gây giống nuôi hàng trăm con gà và 3 con trâu; Ngoài ra gia đình mua thêm xe tải để chở chè kiếm thêm thu nhập. Ước tính thu nhập bình quân hàng năm từ 250 - 300 triệu đồng đời sống của gia đình được nâng cao và ổn định.
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng cơ ngơi của gia đình, anh Mận chia sẻ thêm: “Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì chắc chắn gia đình sẽ không có được cuộc sống như ngày hôm nay. Do vậy, tôi luôn thực hiện trả lãi, trả gốc đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn để tạo điều kiện cho nguồn vốn sớm đến được với nhiều người khác có hoàn cảnh khó khăn như tôi trước đây”.
Anh Trịnh Văn Mận cho biết thêm: Thủ tục vay vốn rất nhanh chóng, thuận tiện, ngoài ra cán bộ ngân hàng phối hợp với tổ chức hội đoàn thể cấp xã cũng tư vấn thêm cho chúng tôi những mô hình hay để phát triển các mô hình kinh tế. Sự đồng hành của Ngân hàng CSXH sẽ giúp cho chúng tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể thấy, hiệu quả về việc cho người nghèo vay vốn làm kinh tế thoát nghèo thì đã rõ, nhưng quan trọng hơn là nhờ đồng vốn tín dụng ưu đãi đã giúp những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận những dự án, mô hình kinh tế mới làm giàu cho gia đình và xã hội. Ngoài nguồn vốn cấp trên, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương cũng đã chú trọng đến công tác huy động vốn tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện bám sát cơ sở, bám sát địa bàn, đổi mới tác phong giao tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ và làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH cũng là góp phần vào công tác giảm nghèo, nên đã thu hút nhiều khách hàng đến với Ngân hàng CSXH.
Vốn vay từ NHCSXH huyện đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Từ việc thụ động trong lề lối canh tác ruộng vườn, chăn nuôi, ngày nay, bà con đã biết cách lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật lồng ghép với sử dụng vốn vay chính sách đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao cao chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong toàn huyện. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng, thời gian tới Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách làm đầu mối để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.