Góp sức đảm bảo an sinh xã hội trên đảo ngọc

Gần 20 năm qua, nguồn vốn ưu đãi do Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Phú Quốc, trước đây là huyện đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang, đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, làm bàn đạp để hòn đảo ngọc phát triển như ngày nay.

Chú thích ảnh
Một phiên giao dịch của NHCSXH tại xã đảo Thổ Chu.

Ông Nguyễn Hiếu Trung, Giám đốc NHCSXH Phú Quốc là 1 trong 3 cán bộ đầu tiên tham gia điều hành, tác nghiệp ở tổ chức tín dụng đặc thù này, chia sẻ: Với định hướng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà chuyên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002 của Chính phủ, nên từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính từ nhiều kênh, nhiều đối tượng với nhiều hình thức, đồng thời tổ chức chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi về tận xóm, ấp, đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Kết quả là tổng nguồn vốn của NHCSXH Phú Quốc đến 30/6/2022 là 269 tỷ đồng, tăng 265 tỷ đồng, gấp hơn 63,6 lần so với khi mới thành lập (năm 2003), đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách để vừa chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, vừa tăng cường chuyển ủy thác nguồn vốn ngân sách qua NHCSXH gần 50 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các đối tượng chỉ định trên địa bàn vay, phát triển kinh tế gia đình.

Hệ thống 151 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại xóm ấp, khu phố kết nối cùng 9 điểm giao dịch xã, phường, tạo thành mạng lưới phủ kín khắp địa bàn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách hoàn thành nhiệm vụ “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”. Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng Tổ TK&VV ở Phú Quốc đã góp phần quan trọng vào việc bình xét cho vay đúng đối tượng, công bằng, dân chủ và làm cầu nối chuyển tải kịp thời, an toàn vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Chú thích ảnh
Thành phố Phú Quốc vừa tổng kết 20 năm triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn.

Nổi bật trong cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách ở Phú Quốc được thể hiện về tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đến 30/6/2022 đạt 268,4 tỷ đồng, dư nợ bình quân 39 triệu đồng/hộ, giúp cho hơn 4.000 lượt hộ dân vươn lên thoát nghèo, tạo điều kiện xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, cụ thể như phát triển nuôi cá lồng bè, bò sinh sản, thâm canh rau màu theo công nghệ VietGap, mở rộng vườn cây ăn quả, hoa cây cảnh...

Điển hình có gia đình chị Nguyễn Thị Diễm ở tổ 4, ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh. Năm 2016, gia đình chị Diễm thuộc diện hộ cận nghèo được NHCSXH Phú Quốc cho vay 15 triệu đồng. Số vốn vay của ngân hàng cùng với tiền tiết kiệm của gia đình dồn vào làm chuồng trại, mua 4 con lợn giống và 100 con gà, vịt để nuôi. Với sự cần cù, chịu khó, năm 2018, gia đình chị Diễm đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo của xã Hàm Ninh. Năm 2019, chị tiếp tục được NHCSXH Phú Quốc cùng chính quyền xét duyệt cho vay diện hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Hiện cơ ngơi gia đình chị Diễm luôn có hàng chục con lợn lái và hơn 1.000 con gà, vịt.

Dòng chảy vốn chính sách ở Phú Quốc được khơi thông, tạo điều kiện cho tất cả hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đủ điều kiện và có nhu cầu đều được tiếp cận để phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống. Khi dịch COVID-19 xảy ra, NHCSXH lại hỗ trợ tiếp sức nhiều công ty, xí nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất vay vốn chính sách để trả lương cho lao động ngừng việc, khôi phục hoạt động, tạo việc làm… theo các nghị quyết mới ban hành của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Thông tin về các chương trình tín dụng chính sách luôn được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã.

Thời gian tới, theo Phó giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Kiên Giang, ông Đoàn Công Thiệt, Phòng giao dịch thành phố Phú Quốc tiếp cùng các đơn vị bạn chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cũng như các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn của NHCSXH cấp trên; phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao; nâng suất đầu tư cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt dư nợ bình quân trên 40 triệu đồng/hộ; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo nghị quyết của địa phương đề ra.

Thành Văn – Đông Dư
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững

Tháng tư này, về Bình Dương, sức sống mới như bừng lên sau thời gian chống dịch COVID-19 từ những thành phố trẻ Dĩ An, Thuận An cho đến vùng chiến khu xưa Bầu Bàng, Tân Uyên, Dầu Tiếng… Miền đất đỏ rộng 2.700 km2 này còn là 1 trong 6 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo quốc gia (gấp 1,7 lần).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN