Bên cạnh nền tảng kết nối công nghệ thông tin, hiệu quả của Telehealth thực sự được phát huy nhờ những giải pháp chuyên sâu như Tele-ICU, Tele-ECG, CLAS Healthcare EMR, PACs… Trong đó, Tele-ICU, giải pháp hồi sức cấp cứu từ xa đã chứng minh hiệu quả khi giúp bác sĩ tại bệnh viện địa phương tận dụng thời điểm quan trọng trong cấp cứu, giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch và không phải chuyển tuyến.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin, với việc áp dụng cấp cứu từ xa Telehelth, tỷ lệ chuyển tuyến từ các địa phương lên tuyến trên đã giảm rõ rệt. Gần đây, một bệnh nhân ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vào viện trong tình trạng không tỉnh táo, có ổ áp xe ở mông, tiền sử đái tháo đường nặng, đã được các bác sĩ trung tâm cấp cứu hồi sức của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chẩn đoán và điều trị qua cơn nguy kịch.
Thông qua chương trình Tele-ICU, những người bệnh ở vùng sâu vùng xa, hay địa đầu tổ quốc, không có thời gian, điều kiện để chuyển tuyến vẫn được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn trực tiếp để đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị hiệu quả nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở
Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tiến hành đi buồng ảo hay chuyển tuyến ảo tức là người bệnh tại địa phương đó không thể di chuyển được, vẫn sẽ được các chuyên gia tuyến trên hội chẩn, đưa ra các phác đồ điều trị, từ khám đến dùng thuốc phù hợp với bệnh nhân và phù hợp với tình hình thực thế tại cơ sở”.
Với những ca bệnh nặng, nếu không tận dụng được “thời điểm vàng” trong cấp cứu, phải chờ đợi chuyển tuyến, người bệnh có thể sẽ tử vong. Để có thể hội chẩn trực tiếp với nhiều chuyên gia của các khoa chuyên môn cùng lúc là không dễ. Trong những tình huống cấp bách, Tele-ICU đang cho thấy tính hữu ích vượt trội. Ứng dụng Tele-ICU tác động tích cực đến toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, từng bước củng cố và chuẩn hóa việc chăm sóc, tối đa hóa việc sử dụng giường và hỗ trợ bệnh nhân tại chỗ.