Việt Nam: Trung tâm logistics đầy tiềm năng
Theo báo cáo của DHL mang tên “Con đường hướng tới tương lai: Dẫn lối cơ hội cho vận tải đường bộ tại Đông Nam Á”, vận tải đường bộ không chỉ là phương thức vận chuyển linh hoạt mà còn là mắt xích quan trọng trong logistics đa phương thức. Điều này đặc biệt thiết yếu trong bối cảnh các doanh nghiệp yêu cầu sự nhanh chóng và tối ưu chi phí.
Ông Bruno Selmoni, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Vận tải Đường bộ & Đa phương thức khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: "Vận tải đường bộ tại Đông Nam Á không chỉ là giải pháp độc lập mà còn là phần không thể thiếu trong logistics đa phương thức. Kết hợp các phương thức vận tải sẽ giúp giao hàng tận nơi (DTD) nhanh hơn so với đường biển, nhưng tiết kiệm chi phí hơn đáng kể so với đường hàng không".
Việt Nam với vị trí liền kề Trung Quốc và nằm giữa các quốc gia ASEAN, đang trở thành điểm sáng trong mạng lưới logistics khu vực. Năm 2024, quốc gia này thu hút hơn 24 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đạt 440 tỷ USD, tập trung vào các ngành sản xuất, công nghệ, thời trang và nông sản, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Laurence Cheung, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của DHL Global Forwarding, nhận định: "Việt Nam không chỉ dẫn đầu trong tái triển khai sản xuất mà còn đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới kết nối Đông Nam Á. Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc mang lại cơ hội lớn để Việt Nam trở thành trung tâm logistics khu vực".
Những cải thiện về cơ sở hạ tầng cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển này. Tuyến đường sắt nối Viêng Chăn (Lào) với Côn Minh (Trung Quốc) cùng kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường cao tốc tại Việt Nam vào năm 2025 giúp tăng cường kết nối khu vực, giảm chi phí vận chuyển và thúc đẩy giao thương trong khu vực Đông Nam Á.
DHL dẫn đầu trong logistics đa phương thức
Đón đầu xu thế, DHL Global Forwarding đã tiên phong mở Trung tâm vận chuyển đa phương thức quốc tế tại Thái Lan, tạo cầu nối trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia khác thông qua mạng lưới vận tải đường bộ, đường biển và hàng không. Hệ thống được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại như cảm biến GPS, cho phép theo dõi hàng hóa theo thời gian thực, mang lại sự minh bạch và chính xác trong vận hành chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, DHL còn đẩy mạnh các giải pháp xanh với đội xe điện tại Bangkok, giảm được 85.000 kg khí thải CO₂ mỗi năm. Đây là một phần trong chiến lược giảm thiểu tác động môi trường, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trên toàn khu vực.
Dù đạt được nhiều thành tựu, logistics Đông Nam Á vẫn đối mặt với các thách thức lớn về cơ sở hạ tầng và chính sách. Tuy nhiên, các sáng kiến như Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) và Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau của ASEAN (AAMRA) đang hỗ trợ tích cực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và tăng tính minh bạch trong vận tải xuyên biên giới. Những nỗ lực này giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tối ưu hóa vận hành.
Với chiến lược của DHL và sự hỗ trợ từ các chính sách khu vực, Việt Nam đang trên đà trở thành trung tâm logistics hàng đầu. Sự kết hợp giữa đầu tư cơ sở hạ tầng, số hóa vận hành và giải pháp vận tải bền vững đang định hình tương lai ngành logistics tại Đông Nam Á.
Ông Laurence Cheung nhấn mạnh: "Việt Nam đang ở vị trí trung tâm trong mạng lưới logistics đa phương thức. Chúng tôi cam kết hợp tác với chính phủ và các đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn định hình tương lai bền vững của ngành logistics".