Dấu ấn tín dụng chính sách trên miền đất võ Tây Sơn Bình Định

Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Định cho biết, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đến nay đạt hơn 4.666 tỷ đồng, tăng 357 tỷ đồng so với cuối năm 2020 với 94.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vay vốn, chiếm 21,7% tổng số hộ toàn tỉnh. Điều đó cho thấy mức độ bao phủ sâu rộng của tín dụng chính sách xã hội trên miền đất thượng võ vang danh Tây Sơn tam kiệt.

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch của NHCSXH ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn đảm bảo an toàn phòng dịch.

Riêng 8 tháng đầu năm nay, dù dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng hơn 29.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở 12 huyện, thị xã, thành phố vẫn được vay vốn chính sách thuận lợi với doanh số 1.168 tỷ đồng, trong đó 3 huyện nghèo là Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh có dư nợ cho vay hộ nghèo gần 800 tỷ đồng, tăng 283 tỷ đồng so với năm 2019. Từ nguồn vốn chính sách, đồng bào các dân tộc đã được tiếp sức để đẩy mạnh trồng rừng, nâng độ che phủ rừng lên 76%, xây dựng mô hình kinh tế đa dạng hóa sinh kế như trồng rau an toàn, thu nhập 150 triệu đồng/ha, nuôi cá lồng bè trên hồ Định Bình thu lãi 80 triệu đồng/2 vụ/năm… Tiêu biểu có ông Đinh Hồng Sâm, dân tộc Ba Na, ngụ thôn M6, xã Bình Tân, huyện Vĩnh Thạnh, đã vay 50 triệu đồng dành cho hộ nghèo nuôi bò sinh sản, trồng điều xen canh cây ngô, cây khoai môn. Nhờ chịu khó lao động và phòng bệnh chu đáo cho đàn gia súc, kinh tế gia đình ông nay khá giả trông thấy, thoát cảnh nợ nần, túng thiếu.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, theo ông Đoàn Trung Thành trước hết do các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã ở Bình Định xác định cuộc hành trình của tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, để từ đó tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung các nguồn lực tài chính về một đầu mối, tạo lập được nguồn vốn lớn từ trung ương, trong, ngoài nước, đặc biệt đã chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động. Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND các cấp ở Bình Dương đã chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH đến 381 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,2% trong tổng nguồn vốn, góp lực để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay thêm vốn chính sách, đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Cùng với đó, các chủ tịch UBND cấp xã được cử làm thành viên chính thức của Ban đại diện HĐQT của NHCSXH cấp huyện, nghĩa là cùng tham gia trực tiếp quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Rồi nữa, từ khi đưa Chỉ thị 40 của Đảng vào cuộc sống, các tổ chức chính trị xã hội như hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên đã làm tốt hơn công việc truyền dẫn nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, thực hiện ủy thác tới 99,8% tổng dư nợ của NHCSXH. 

Các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được kiện toàn, củng cố, nay có đủ tiêu chí 3 đủ: Đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, Tổ trưởng đủ năng lực quản lý kinh tế, tín dụng. Thực tế đã chứng minh 100% Tổ TK&VV ở Bình Định hoạt động đảm bảo chất lượng, được xếp loại tốt đã thực hiện công tác bình xét, xác nhận đối tượng vay vốn chính sách chính xác, hạn chế cho vay sai đối tượng góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Bình Định, với số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ và toàn tỉnh có 2.142/2.359 Tổ TK&VV, 95/159 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn.

Chú thích ảnh
NHCSXH Bình Định triển khai cho vay theo Nghị quyết 68 của Chính phủ để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Với nguồn vốn lớn cùng mạng lưới rộng khắp, NHCSXH Bình Định đã chủ động đổi mới quy trình thủ tục cấp tín dụng chính sách. Trong suốt cuộc hành trình 19 năm qua, dòng vốn chính sách chảy đều tới tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, những người làm tín dụng chính sách trên mảnh đất Tây Sơn thượng võ luôn đoàn kết chung sức, quyết chí vượt khó, vừa tăng cường phòng chống, dịch bệnh, vừa huy động vốn nhanh, chuyển kịp thời xuống 159 Điểm giao dịch, phân bổ vốn kịp thời tới 2.359 Tổ TK&VV ở 1.121 thôn, làng, khu phố để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, hộ chính sách khác, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trên chặng đường đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH Bình Đình đã góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả tỉnh 2%/năm. Nguồn vốn từ NHCSXH đã và đang chảy đều, thấm sâu trong lòng đất võ Tây Sơn Bình Định giúp cho cuộc sống đồng bào các dân tộc ngày càng no ấm, an lành. Những người làm tín dụng chính sách nơi đây phấn đấu thực hiện sâu rộng hơn Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đóng góp hiệu quả nhiều hơn vào mục tiêu giảm nghèo, chiến thắng dịch bệnh, thiên tai, dựng xây cuộc sống mới tươi vui phồn vinh.

Dư Minh Uyên
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nhiệm vụ kép
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nhiệm vụ kép

Không để dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến phục vụ khách hàng, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, thông suốt, khơi thông và gia tăng các nguồn vốn của địa phương cũng như các nguồn vốn khác, hỗ trợ giải ngân giúp người nghèo, đối tượng chính sách khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để tạo việc làm, mở rộng sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ Trung ương đến địa phương đã được xác định ngay từ những tháng đầu năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN