Đà Nẵng  phát triển đô thị biển nhìn từ không gian kiến trúc cao tầng ven biển

Tạp chí Kiến trúc phối hợp với Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Không gian Kiến trúc cao tầng ven biển: Tầm nhìn và giải pháp”.

Chú thích ảnh

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về một số vấn đề bất cập trong quy hoạch, khai thác cảnh quan tự nhiên, phát triển kiến trúc, nhất là kiến trúc cao tầng; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước trong quy hoạch; kiến nghị, đề xuất các giải pháp quy hoạch, khai thác cảnh quan tự nhiên, phát triển kiến trúc, nhất là kiến trúc cao tầng tại thành phố Đà Nẵng; định hướng chiến lược quy hoạch tổng thể khu vực ven biển và ven sông của đô thị biển Đà Nẵng…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 43 NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và là thành phố đáng sống, đẳng cấp khu vực châu Á”, tầm nhìn đó đã đặt ra cho các chuyên gia; trong đó có các kiến trúc sư nhiều việc phải làm.

Trên tinh thần ấy, các kiến trúc sư có mặt tại buổi tọa đàm này sẽ cùng nhau trao đổi về “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển”, đây là vấn đề tác động đến sự phát triển hợp lý, bền vững và có bản sắc của các đô thị ven biển ở nước ta, mà Đà Nẵng là trường hợp đại diện tiêu biểu. Sau gần 20 năm phát triển với nhiều thành công nổi bật, Đà Nẵng đang đi tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu một thành phố đáng sống.

Tuy nhiên, theo ông Thông, để thực sự trở thành một thành phố biển đẳng cấp khu vực, Đà Nẵng phải lựa chọn mô hình cấu trúc không gian đô thị mới, vừa cho phép khắc phục được những hạn chế của quá trình phát triển đã qua, vừa đảm bảo sự phát triển không gian đô thị có chất lượng bền vững, có bản sắc trong tương lai; trong đó không gian đô thị ven sông, ven biển với kiến trúc cao tầng là một trong những nội dung có tầm quan trọng nhất định đối với chất lượng môi trường và hình ảnh đô thị của Đà Nẵng.

Tại buổi hội đàm, các kiến trúc sư đã đưa ra kiến nghị trong việc xây dựng kiến trúc cao tầng ven biển; trong đó, kiến trúc sư Lê Vĩnh An, Trưởng khoa Kiến trúc và Mỹ thuật, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng đề xuất, việc quy hoạch xây dựng cao tầng ở Đà Nẵng đã và đang gặp phải những vấn đề cần cân nhắc và cần có biện pháp chế tài đảm bảo sự hài hòa các vùng phân khu chức năng trong đô thị và phát triển bền vững.

Đặc biệt, theo ông An, cần hình thành bộ quy tắc xây dựng đô thị ven biển trên nền tảng quy hoạch phát triển đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, nên giảm bớt mật độ nhà cao tầng ở các tuyến phố du lịch trọng điểm (Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa), thiết kế quy hoạch hợp lý để gió biển tràn vào vùng lõi đô thị, tạo sự hài hoà về cảnh quan sinh thái cho toàn thành phố. Đối với các khu vực lấy đất để quy hoạch Resort hoặc khách sạn như trường hợp làng Nam Ô, cần có giải pháp quy hoạch lồng ghép, xây dựng đường giao thông đi băng qua khu du lịch, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận với bờ biển, nhằm gìn giữ và phát huy nghề đánh cá, làm nước mắm truyền thống…

Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cũng nêu bật hiện trạng, khó khăn, thuận lợi trong việc xây dựng kiến trúc nhà cao tầng ven biển ở thành phố Đà Nẵng; trong đó, mặt tích cực trong việc phát triển kiến trúc cao tầng ven biển sẽ tạo nên cảnh quan đô thị biển Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tạo động lực cho ngành du lịch của Đà Nẵng. Tuy nhiên, xu hướng phát triển nhà cao tầng bám sát chiều dài mặt biển sẽ ngăn cản gió, nắng và tầm nhìn ra biển của các khu vực bên trong, việc xây dựng nhà cao tầng ven biển với mật độ dày đặc sẽ tác động đến cảnh quan và hạ tầng đô thị.

Kiến trúc sư Phan Đức Hải đề xuất, cần tổ chức lại đô thị ven biển với không gian cao tầng phối hợp với không gian thấp tầng, xen kẽ không gian xanh mặt nước, tạo nên hình ảnh đô thị biển sinh động, thân thiện với tầm nhìn thoải mái; chuyển các trục ngang tiềm năng thành các tuyến đường dịch vụ thương mại sầm uất, hấp dẫn nối từ biển vào sâu đất liền, giúp mở quỹ đất mới phía tây trục đường ven biển, tăng giá trị đất và thu hút đầu tư.../.
 

Võ Văn Dũng
Đà Nẵng đảm bảo nơi học tạm cho học sinh của những trường đang xây dựng
Đà Nẵng đảm bảo nơi học tạm cho học sinh của những trường đang xây dựng

Năm học 2019-2020 sắp bắt đầu nhưng một số trường học của thành phố Đà Nẵng vẫn đang trong quá trình xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN