Từ khi dây chuyền lọc ép của Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC) được lắp thêm sàn thao tác, công việc vệ sinh máy móc của công nhân tại bộ phận này bớt đi sự nhọc nhằn.
Là người đề xuất với Hội đồng Kaizen của Nhà máy thực hiện ý tưởng lắp sàn thao tác, anh Vũ Văn Quang - công nhân làm việc trực tiếp tại bộ phận lọc ép chia sẻ: "Dây chuyền lọc ép có chức năng loại bỏ bã và tạp chất ra khỏi dung dịch Natri vonfram trong quá trình chế biến sâu các sản phẩm từ vonfram. Theo đó, sau khi loại bã và tạp chất, chúng tôi sẽ tiến hành vệ sinh máy móc, thiết bị trên dây chuyền. Trước đây khi không có sàn thao tác thì công nhân phải đứng phía dưới sàn để vệ sinh máy móc ở tầm cao từ 1-2 mét nên rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Thấy được sự bất cập này, tôi đã suy nghĩ và đề xuất với Ban Lãnh đạo Nhà máy lên ý tưởng, lắp đặt sàn thao tác để công nhân có thể đứng trên cao làm việc được dễ dàng và thuận tiện".
Anh Quang được biết đến là một trong những “cây” sáng kiến của Nhà máy bởi trong 7 năm công tác anh đã có trên dưới 15 sáng kiến được áp dụng để cải thiện môi trường làm việc. Ngoài sàn thao tác, một số sáng kiến nổi bật khác của anh đã được áp dụng vào thực tế như: Dịch chuyển đường ống xả khí thải để bảo đảm môi trường làm việc trong lành tại các phân xưởng; thay đổi vị trí các van khóa tại các bồn chứa dung dịch hóa chất để việc đóng mở van được dễ dàng và an toàn hơn…
Anh Đinh Mạnh Nam, Chủ tịch Hội đồng Kaizen của Công ty MTC cho biết: Với mục đích khơi dậy khả năng sáng tạo trong người lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2015, Nhà máy đã thành lập Hội đồng Kaizen. Đến nay sau nhiều năm triển khai, phong trào đã thu hút được trên 300 Kaizen của người lao động, trong đó có 107 Kaizen đã được ứng dụng vào thực tiễn. Điểm chung của các Kaizen đều xuất phát từ những bất cập trong quá trình lao động sản xuất được công nhân, kỹ sư đề xuất triển khai thực hiện nhằm cải thiện môi trường làm việc giúp nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn về lao động và ô nhiễm môi trường.
Qua phong trào đã xuất hiện nhiều “cây” sáng kiến như anh Vũ Văn Quang, hay như kỹ sư Tuyển khoáng cấp cao Nguyễn Viết Cường - người đã có nhiều sáng kiến như: thu hồi lại lượng vonfram trong bã tái chế tinh chế 2; tối ưu hóa lượng hóa chất xút tiêu thụ trong công đoạn lọc ép… giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho Công ty từ 10-15 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về phong trào Kaizen của Nhà máy, anh Trần Viết Cường tỏ vẻ phấn khởi: "Phong trào được ví như một “sân chơi” về kỹ thuật cho người lao động. Thông qua các sáng kiến, bản thân tôi có thể tự học tập, trau dồi thêm nhiều kiến thức để nâng cao tay nghề, tư duy sáng tạo. Đặc biệt quá trình thực hiện ý tưởng, tôi cũng như người lao động khác luôn nhận được sự động viên, khích lệ và đồng hành, hướng dẫn trực tiếp từ các phòng ban chuyên môn, thành viên Hội đồng Kaizen để biến ý tưởng thành hiện với hiệu quả cao nhất và chi phí đầu tư thấp nhất".
Cùng với phong trào Kaizen, năm 2018 Công ty CP Tài nguyên Masan còn áp dụng phong trào 5S đối với Nhà máy khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo. Theo đó, Công ty đã áp dụng 5S (bao gồm các bước sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵng sàng) tại 2 bộ phận “xương sống” là Bảo trì và Sản xuất để cải thiện không gian làm việc. Là người trực tiếp được tập huấn về phong trào 5S và áp dụng cho Bộ phận Sản xuất, Giám sát cấp cao anh Lưu Đức Kiên cho hay: Áp dụng 5S có nghĩa là toàn bộ thiết bị, dụng cụ sản xuất sẽ được sàng lọc, sắp xếp lại theo một trật tự nhất định, đem lại sự thuận tiện nhất trong quá trình sử dụng. Cụ thể là toàn bộ thiết bị, dụng cụ tại bộ phận của chúng tôi đã được định danh, mã hóa, lập danh sách để sắp xếp và quản lý. Anh Nguyễn Minh Thiện, làm việc tại Bộ phận Sản xuất của Nhà máy chia sẻ: Từ khi Nhà máy thay đổi lại không gian, sắp xếp, bố trí lại các dụng cụ, phân xưởng theo phương pháp 5S, chúng tôi chỉ mất vài phút để tra danh sách và tìm thấy đúng thiết bị đang cần. Ngoài ra chúng tôi còn làm việc trong không gian thoáng đãng, sạch sẽ hơn trước rất nhiều...
Có thể thấy, việc áp dụng phong trào Kaizen, 5S đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nhà máy sản xuất của Công ty CP Tài nguyên Masan. Điều này góp phần nâng cao năng suất lao động, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh của đơn vị. Những năm gần đây, doanh thu của Công ty đều đạt mức tăng trưởng từ 10-15% so với cùng kỳ, năm 2019 là trên 4 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, tạo việc ổn định cho trên 1.500 người lao động, với thu nhập bình quân đạt 11,8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn lao động luôn được đề cao. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Công ty không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào…